Những kỳ vọng của một giám mục đối với các cuộc đại phúc

0
1168

Dosao Jesse, C.M.

Giới Thiệu

Đầu tiên, tôi xin được trích dẫn từ lá thư của cha Emeric: “Chúng con mong ước ngài nói cho chúng con hay, với tư cách là một giám mục, về sự đóng góp độc đáo mà ngài mong đợi từ những cuộc đại phúc nhắm tới việc rao giảng Tin Mừng trong giáo phận của ngài và về cách thức để chúng được thiết lập như hoạt động mục vụ thông thường.”

Điều này đòi hỏi tôi phải lược kể về giáo phận của mình.

Khi tôi đến đó vào năm 1981, tôi thấy đã có một sự thúc đẩy mạnh mẽ mang tính đoàn thể từ hai năm trước đó: Sự liên đới với người nghèo trong vấn đề Đào tạo/Thành lập các cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản.

Lực đẩy này sẽ có một vài sự liên hệ đến khung cảnh để xây dựng các cuộc đại phúc. Và như thế, xin cho phép tôi nói thêm về nó.

Sự liên đới với người nghèo

Trong số những điều khác, liên đới với người nghèo có nghĩa là xem xét tình trạng của chúng ta từ quan điểm của người nghèo, quan điểm của Ông Chủ của chúng ta.

Liên đới với người nghèo hàm ý hiện diện với người nghèo trong sự đau khổ của họ. Điều này có nghĩa là đứng vào vị trí của người nghèo như Đức Giêsu đã từng làm.

Cũng cần có sự đối thoại với cả linh mục lẫn giáo dân trong sự am hiểu về sứ vụ linh mục: sự phục vụ con người, sự suy gẫm về tình yêu Thiên Chúa bằng sự khẳng định con người trong nhân tính của họ.

Điều này cũng đòi hỏi sự tái cơ cấu sứ vụ: từ việc là người chỉ huy đến việc là người điều phối, người hướng dẫn của các cộng đoàn giáo dân khác nhau, hiện diện trong lãnh thổ mà chúng ta hướng đến như một giáo xứ.

Cũng cần nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tạo điều kiện cho sự phát triển liên tục giữa các cộng đoàn này nhằm giúp họ trở nên các cộng đoàn truyền sức sống trong giáo xứ, giáo phận và giáo hội rộng lớn hơn.

Sự thay đổi về cơ cấu này làm cho hình thức sống căn bản nhất của giáo hội địa phương trở thành trung tâm – cộng đoàn giáo hội cơ bản riêng biệt.

Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản

Cộng Đoàn Giáo Hội Cơ Bản (BECs) là chính Giáo Hội ở cấp độ cơ sở hay ở cấp độ “cơ bản”, được hiểu như là nhắm thẳng đến “nền tảng” của niềm tin của chúng ta – Đức Giêsu Kitô, Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần.

      • Cơ bản, bởi lẽ các thành viên của nó là phần chủ yếu nhất trên bậc cuối cùng của chiếc thang xã hội: người nghèo, các tá điền, người thất nghiệp, người bên lề xã hội…
      • Cơ bản trong cảm thức cộng đồng, nơi mà người ta cảm thấy gắn bó với thiện ích của người khác: một nhóm người cùng gặp gỡ nhau để suy gẫm về hoàn cảnh sống của họ trong ánh sáng của Lời Chúa, để cử hành nó trong một cách thức có ý nghĩa với họ và để làm việc vì sự biến đổi của nó.

Ở cấp độ cơ bản nhất của BECs, nó đòi hỏi sự sáng tạo của các chương trình giúp tạo điều kiện thuận lợi cho một cảm thức cộng đồng sâu xa hơn, một sự sẵn lòng chia sẻ nguồn lực, một cấu cơ cấu lãnh đạo nhắm đến việc đào tạo tiếp tục cho cả người đứng đầu lẫn các thành viên.

Trong cấp độ giáo xứ, cần xây dựng một đội ngũ nòng cốt của một giáo xứ để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho việc phục vụ liên tục cũng như việc điều phối của BECs.

Ở cấp độ giáo phận, cần có một chương trình đào tạo và một hệ thống hỗ trợ được điều phối dành cho những người lãnh đạo và giáo dân của cộng đoàn địa phương.

Sự đóng góp độc đáo của các cuộc đại phúc

Tiếp đến, với vai trò là Giám mục một giáo phận có lực thúc đẩy như thế, tôi mong đợi các cuộc đại phúc định hướng cho BECs đến một sự nhận thức mới mẻ trong ba lĩnh vực có liên hệ với nhau sau đây: việc dạy giáo lý, hoạt động tông đồ xã hội, và việc phụng tự.

Điều này nên được thực hiện theo cách thức mà BECs sẽ được gợi hứng và thúc đẩy để theo đuổi chúng với những cơ cấu trách nhiệm riêng của họ.

Nhưng hiện tại, trong công cuộc rao giảng Tin Mừng thông qua các cuộc đại phúc, họ phải được cung cấp một vài ý tưởng về những lãnh vực này.

a) Canh tân việc dạy giáo lý

Lãnh vực đầu tiên của việc rao giảng Tin Mừng được đổi mới thông qua các cuộc đại phúc đó là canh tân việc dạy giáo lý. Số người được dạy giáo lý không đủ hoặc không được dạy giáo lý đủ.

Quy Kitô

Giáo lý này phải mang tính quy Kitô. Không có sự thoả hiệp trong vai trò trung tâm và ưu việt của Đức Kitô. Mọi thứ – Đức Trinh Nữ Maria, các thánh, các bí tích, sự dâng hiến… mọi điều các giáo dân của tôi yêu mến đều phải được dạy trong mối liên hệ với Đức Kitô.

Bắt nguồn từ Lời Chúa

Nếu giáo lý quy Kitô, nó phải được bắt nguồn từ Lời Chúa. Không điều gì và không một ai có thể nói về Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa tốt hơn Kinh Thánh, Lời của Thiên Chúa. Kinh Thánh một lần nữa phải trở nên sách giáo lý chính yếu.

Tiếng bản xứ thực sự

Giáo lý cũng phải được dạy bằng tiếng bản xứ cách thực sự. Việc dạy giáo lý cần được hội nhập văn hóa cả về phương tiện truyền tải thông điệp lẫn nguồn mạch cho việc lĩnh hội, đó là tiếng bản xứ. Sự hội nhập văn hóa của việc dạy giáo lý này là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết và khẩn cấp. Không có được sự hội nhập văn hóa như thế, thông điệp Kitô giáo trở nên xa lạ với người bản xứ, hoặc trong khi chấp nhận thông điệp đó, người bản xứ có nguy cơ thờ ơ với nền văn hóa của họ.

Hệ thống

Cuối cùng, việc giảng dạy Giáo lý cần có hệ thống, tức là, nó cần được trình bày với một cách thức có thứ tự và được hoạch định chương trình theo toàn bộ Tin Mừng từ Thánh Kinh và Thánh Truyền, và theo Huấn Quyền Giáo Hội — không có sự méo mó hoặc giản lược, nhưng luôn xét đến hoàn cảnh của việc giảng dạy giáo lý.  

Việc giảng dạy giáo lý có hệ thống này phải nêu bật được những điều căn bản của niềm tin và thực hành Công giáo, và bao gồm toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo Hội.

b) Canh tân hoạt động tông đồ xã hội

Lãnh vực thứ hai của việc Tân Phúc Âm hoá đó là canh tân hoạt động Tông đồ xã hội. Giáo hội hiện thấy rõ hoạt động xã hội của các tín hữu, tức là, hoạt động được thực hiện bởi Giáo Hội và các thành viên của Giáo Hội nhằm thúc đẩy sự phát triển nhân loại, công bằng xã hội và hòa bình. Hoạt động này không chỉ là công cuộc tiền rao giảng Tin Mừng, nhưng còn là một nhiệm vụ mà không có nó, việc rao giảng Tin Mừng sẽ không thể hoàn thành. Hoạt động nhân danh công bằng và góp phần cho sự biến đổi thế giới biểu lộ cách đầy đủ cho chúng ta như là chiều kích cấu thành của việc rao giảng Tin Mừng.

c) Canh tân việc phụng tự

Lãnh vực thứ ba của việc rao giảng Tin Mừng được đổi mới thông qua các cuộc đại phúc đó là việc phụng tự. Đáng tiếc thay, tại Philippines, việc phụng tự vẫn thường bị tách biệt khỏi tổng thể đời sống. Phụng vụ tại đây không được xem như một nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội. Thay vào đó, phụng vụ được xem như là một phần của đời sống nhưng lại không có sự gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội, kinh tế và chính trị

Đổi mới đời sống cầu nguyện

Một phần của việc đổi mới đời sống phụng tự của giáo dân của chúng ta là đổi mới trong đời sống cầu nguyện. Chúng ta nên hướng đến sự phát triển các nhóm cầu nguyện, các nhóm đặc sủng, và các phong trào tôn giáo. Thật tốt lành khi thấy mọi người tập trung trong các buổi hội họp để cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện này cần được thăng tiến thêm nữa. Đào tạo những người có thể dạy dỗ cho người khác trong việc cầu nguyện là điều rất quan trọng.

Canh tân lòng đạo đức bình dân

Việc canh tân đời sống cầu nguyện có nghĩa là thực hiện các thực hành tôn giáo bình dân. Các thực hành tôn giáo bình dân của các Kitô hữu Philippines thì phong phú về giá trị. Chúng biểu lộ lòng khát khao Thiên Chúa và làm cho con người có khả năng quảng đại và hy sinh trong việc biểu lộ niềm tin của họ.

Nhưng những thực hành tôn giáo bình dân này phải được bồi dưỡng theo một đường lối nào đó để chúng không trở thành những méo mó về tôn giáo hay dừng lại ở mức độ phụng tự hình thức, thay vào đó, chúng trở thành những biểu lộ đích thực của niềm tin.

Chúng ta phải chắc chắn rằng lòng sùng kính đối với Trinh Nữ Maria và các thánh được nhìn nhận trong cùng một mối liên hệ, và giữ vai trò lệ thuộc, với Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Có vẻ như là, trong các thực hành tôn giáo, các thánh và Trinh Nữ Maria thu hút được sự quan tâm của giáo dân bình dân hơn là Đức Kitô.

Canh tân phụng vụ

Những bước lớn đã được thực hiện hầu thúc đẩy việc canh tân phụng vụ tại Philippines, sao cho sự tham dự của các tín hữu trong các cử hành bí tích có thể được thấm nhuần, tích cực, đầy đủ và có tính cộng đồng. Nhưng nhiều việc vẫn cần phải được làm, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục về phụng vụ. Trong số các lãnh vực canh tân quan trọng hơn,  có giáo lý tiền bí tích, sao cho, không bí tích nào được cử hành mà không có sự hướng dẫn trước cho những người tham dự về ý nghĩa của các bí tích mà họ sẽ lãnh nhận. Điều này đặc biệt cần thiết đối với các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Hôn Phối.

Canh tân bí tích Hòa Giải

Bí tích này vốn là sự cử hành lòng thương xót của Thiên Chúa, vẫn thường bị thờ ơ bởi cả hàng linh mục lẫn giáo dân. Các mục tử và các tín hữu cần được dạy dỗ để nhận ra trong bí tích này một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta với Người và với dân Người. Các linh mục phải chuẩn bị sẵn sàng cho bí tích này và tìm kiếm một cách sáng tạo các đường lối khắc phục những nguy cơ của thói quen trong việc cử hành bí tích này. Việc sử dụng sáng tạo các buổi thống hối cộng đồng sẽ giúp ích hữu hiệu cho việc nhận thức sâu sắc về bí tích này.

Mối liên hệ hỗ tương của các lãnh vực này

Cần nhấn mạnh rằng không có sự canh tân đúng đắn nào có thể thực hiện chỉ trong một lãnh vực (ví dụ: việc giảng dạy giáo lý), với sự tách biệt khỏi hai lãnh vực còn lại. Bất kỳ sự canh tân đích thực nào cũng cần có tính toàn diện, tức là, nó phải tác động trên tất cả ba lãnh vực trong mối liên hệ tương hỗ của chúng.

Tuy nhiên, lãnh vực cơ bản nhất của việc canh tân, và là lãnh vực cần phải nhận được sự ưu tiên hàng đầu đó là dạy giáo lý. Không có sự giáo dục hướng đến sự trưởng thành trong đức tin, các hoạt động tông đồ xã hội sẽ không trở thành hiện thực và sẽ rơi vào cám dỗ của những tư tưởng phi Kitô giáo. Không có việc dạy giáo lý, phụng tự sẽ suy thoái thành chủ nghĩa hình thức và sẽ sa vào mê tín dị đoan và não trạng ma thuật.

Mặt khác, việc dạy giáo lý mà không có hoạt động tông đồ xã hội sẽ làm thiếu đi sức mạnh của chứng tá Kitô giáo và sự biến đổi. Và không có sự thờ phượng, giáo lý sẽ trở thành nhồi sọ.

Cuối cùng, các hoạt động tông đồ xã hội mà không có sự thờ phượng sẽ mất đi nguồn mạch sức mạnh của nó, trong khi việc thờ phượng mà không có hoạt động tông đồ xã hội thì sẽ trở thành việc phụng thờ tách biệt khỏi cuộc sống.

Khi đã nhận ra được các lãnh vực Tân Phúc Âm hoá thông qua các cuộc đại phúc, tôi sẽ phác họa những nét đặc trưng của nó.

Các đặc trưng của việc Tân Phúc Âm hoá

Việc Tân Phúc Âm hoá này cần được mô tả bằng sự rõ ràng của các mục tiêu của nó và bằng một sự nhiệt tình mới, các phương pháp mới, và những cách thức diễn đạt mới.

Các mục tiêu của việc Tân Phúc Âm hoá

Việc Tân Phúc Âm hoá phải nhắm đến mục tiêu hàng đầu là nhào nặn nên các Kitô hữu có đời sống thiêng liêng trọn vẹn.

Việc rao giảng Tin Mừng cũng phải hướng đến xây dựng Giáo Hội, sao cho Giáo Hội trở nên một đoàn dân hợp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một cộng đoàn của các môn đệ Đức Kitô, một mầu nhiệm hữu hình của hiệp thông và sứ vụ, và một bí tích của ơn cứu độ phổ quát, trong Đức Kitô. Công cuộc rao giảng Tin Mừng không dừng lại ở việc xây dựng Giáo Hội. Nó hướng đến biến đổi toàn bộ cơ cấu của xã hội theo những giá trị của Nước Trời và của Đức Kitô và thúc đẩy sự phát triển của toàn thể nhân loại, sự giải phóng toàn diện, công bằng xã hội và sự nghiệp hòa bình.

Những phương pháp mới

Những mục tiêu của việc rao giảng Tin Mừng mới tại Philippines chỉ có thể được tiếp tục bằng những phương pháp mới, mới trong ý thức rằng có một sự nhấn mạnh phải đổi mới chúng.

Một khía cạnh của phương pháp luận mới là hướng tiếp cận có sự tham gia. Nó đòi hỏi mọi người tham gia mà không có ngoại lệ.

Trong việc dạy giáo lý, mọi người phải luôn luôn được dẫn đến để chỗ nối kết chân lý Kitô giáo với cuộc sống thực của họ. Chính phụng vụ phải nhắm đến sự tham gia đầy đủ của mọi người. Và hoạt động tông đồ xã hội phải khuyến khích được những người thụ hưởng tham gia vào sự phát triển của chính họ, trong cuộc tranh đấu cho công lý, và trong công cuộc hòa bình.

Một khía cạnh khác của phương pháp luận mới là hướng tiếp cận theo nhóm trong hoạt động rao giảng Tin Mừng. Các cá nhân và các nhóm kết hợp với nhau để cùng nhau đạt được mục tiêu trong khi càng ngày càng nhìn nhận sự tồn tại của các đặc sủng của riêng họ và của những người khác.

Sự nhiệt thành mới

Một phương pháp có sự tham gia như thế chỉ có thể thành hiện thực khi có được một sự nhiệt thành mới được truyền vào mọi thành viên của cộng đoàn Kitô Giáo. Thật vậy, chúng ta được mời gọi để loan báo Tin Mừng cùng với nhau, với lòng nhiệt thành của các thánh, với sự nhiệt tình của các môn đệ đầu tiên.

Các cách thức truyền đạt mới

Sự nhiệt thành mới và phương pháp mới này đòi hỏi các cách thức truyền đạt mới. Ngày nay có vô vàn khả năng để truyền bá Tin Mừng thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

“Các cách thức truyền đạt mới” cũng có nghĩa là sử dụng các biểu tượng và ngôn ngữ được mọi  người am hiểu, các cách thức truyền đạt và các từ ngữ phải đụng chạm đến trí óc, trái tim và tâm hồn họ. Chúng ta cũng cần nghiên cứu văn hóa của người dân của chúng ta để khám phá đâu là cách thức truyền đạt và biểu tượng mang tính văn hóa thâm nhập hiệu quả và lôi cuốn tâm hồn họ.

Tôi xin kết thúc bằng lời cám ơn chân thành tới các nhà truyền giáo Vinh Sơn đã cho tôi tham gia Tháng Vinh Sơn về chủ đề đại phúc này. Và tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn với tất cả mọi người về nhiều bài chia sẻ. Chắc hẳn là tôi học được nhiều điều từ các bạn trong tháng vừa qua. Tất cả sẽ rất hữu ích cho tôi. Cám ơn các bạn nhiều và xin Chúa chúc lành cho các bạn!