Đại phúc lưu động và hội nhập văn hoá

0
804

Benjamin Romo, C.M.

Giới thiệu

Tôi sẽ bắt đầu bài nói chuyện này bằng việc kể một câu chuyện minh họa khá tốt cho chủ đề của chúng ta và giới thiệu về chủ đề ấy. Một gã nghiện rượu có tiếng trong thị trấn bước loạng choạng ngang qua ngôi làng. Với những lời lộn xộn, hắn ta tuyên bố: “Tôi đã thấy một con sư tử, một con sư tử khổng lồ, tôi đã thấy một con sư tử (nấc cụt) rất kinh khủng…” Mọi người nghe thấy hắn ta đều cười khi nghĩ về tác dụng của rượu trong những lời nói tưởng tượng, và họ đã có một khoảnh khắc vui vẻ để quan sát gã say rượu. Mười lăm phút sau đó, hai cư dân đầu tiên của ngôi làng trở thành nạn nhân của móng vuốt sư tử.

Chúng ta có thể tự hỏi: Tại sao một thông báo quan trọng như vậy lại được đưa ra bởi một người mà tình trạng tồi tệ của hắn đã làm mất đi tất cả giá trị và uy tín? Khoảng cách to lớn giữa những người có đầu óc tỉnh táo và những người bị kích động, đã gây trở ngại khiến cho những người khác không thể nắm bắt được sự thật mà hắn ta công bố.

Việc rao giảng Tin Mừng cũng là một sự công bố, và sự công bố này còn quan trọng hơn cả sự hiện diện của một con sư tử. Hoặc, nếu chúng ta muốn, thì đó là lời công bố về sự hiện diện của sư tử nhà Giuđa, như có lần Kinh Thánh đã gọi Đức Giêsu Kitô như thế (x. Kh 5,5). Khoảng cách có thể ở những dạng thức khác nhau: xã hội, văn hóa, thể lý hoặc tôn giáo.

Khoảng cách là một trong những vấn đề lớn mà mọi người phải giải quyết. Khoảng cách giữa nơi này và nơi kia, giữa thế hệ này với thế hệ nọ, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Trong bài viết này, chúng ta sẽ quan tâm đến khoảng cách giữa các nền văn hoá.

A. Tôi hy vọng gì nơi những suy ngẫm này? Không hẳn là nói mọi thứ về chủ đề, thậm chí cũng không phải là trả lời tất cả các câu hỏi có thể được nêu ra về chủ đề ấy. Mong rằng tôi có thể đem lại chút ánh sáng về chủ đề này và gợi lên được những suy ngẫm và trao đổi giữa chúng ta, để làm giàu lẫn nhau, dẫn chúng ta đi tìm kiếm cách thức làm cho việc truyền giáo lưu động của chúng ta hiệu quả hơn đối với người nghèo.

B. Phương pháp luận: Tôi sẽ trình bày một số suy tư và đồng thời, trình chiếu một số lược đồ hoặc văn bản sẽ giúp chúng tôi giữ lại tốt hơn ý tưởng mà tôi muốn chia sẻ. Tôi dựa tất cả trên kinh nghiệm hạn chế của Tỉnh dòng Mêxicô chúng tôi về lĩnh vực này.

1. Đại phúc lưu động trong truyền thống Vinh Sơn

Chúng tôi biết rằng các cuộc đại phúc ngay từ thời điểm thành lập Tu Hội của chúng ta, đã là sứ vụ đứng đầu và chủ yếu mà thánh Vinh Sơn đã thực hiện và ngài mong muốn rằng Tu Hội cũng sẽ thực hiện. Ngài nói thế này:

“Danh xưng nhà truyền giáo hay linh mục truyền giáo, là một danh xưng chúng ta không tự nhận cho mình, nhưng theo ý muốn của Thiên Chúa, nó đã được đặt ra cho chúng ta bởi dân chúng. Danh xưng ấy cho thấy rõ rằng công việc truyền giáo phải là công việc đứng đầu và chủ yếu trong số các công việc của chúng ta dành cho tha nhân.” (XI, 10)

Chúng ta cũng thấy đối với thánh Vinh Sơn, tất cả các sứ vụ khác đều phụ thuộc vào sứ vụ này ra sao. Đây là sứ vụ đứng đầu và chủ yếu trong mọi sứ vụ.

Đi vào Hiến Pháp, chúng ta thấy những dòng như sau:

“Việc giảng đại phúc cho dân chúng, đã được Đấng Sáng Lập rất quý chuộng, phải được phát huy mạnh mẽ. Vì thế, chúng ta cần thực thi sứ mạng này một cách phù hợp với những hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, tìm kiếm tất cả mọi phương cách có thể để đem lại cho công việc này một sức sống mới, vừa để canh tân vừa để xây dựng một cộng đoàn Kitô hữu thực sự, và để thức tỉnh đức tin trong tâm hồn những kẻ không tin.” (HP 14)

Các thành tố trong số này đều quan trọng và đều nêu ra ba nhiệm vụ hay ba thách đố mà chúng ta có ngày hôm nay, ở cả cấp độ Tu hội cũng như tỉnh dòng.

1.1.      Thích nghi các cuộc đại phúc theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn

Điểm đầu tiên này chắc chắn nói cho chúng ta về việc phải tính đến bối cảnh lịch sử, Giáo Hội, văn hóa cũng như các hoàn cảnh khác xung quanh những người được rao giảng Tin Mừng. Họ là những người mà chúng ta muốn san sẻ sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.

Thách đố được đưa ra cho chúng ta trong thời điểm này là việc duy trì căn tính của các cuộc đại phúc của chúng ta, bao gồm cả căn tính của chính chúng ta, ngang qua các cuộc đại phúc ấy. Làm thế nào để duy trì điều đó giữa một thế giới đang thay đổi? Làm thế nào để khiến cho chúng trở thành một hoạt động truyền giáo hấp dẫn cho Giáo Hội của chúng ta? Thách đố chính là việc phân định xem đâu là điều giá trị trong truyền thống Vinh Sơn của chúng ta và khám phá những nẻo đường mới trong Giáo Hội hôm nay. Những yếu tố nào phải được duy trì? Điều gì phải thay đổi trong các cuộc đại phúc ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội và thế giới hiện tại? Nhiệm vụ của chúng ta là đặt mình vào đây và bây giờ; và làm như vậy trong tư cách là các môn đồ của thánh Vinh Sơn.

1.2.      Mang lại cho các cuộc đại phúc một sức sống mới

Điều này chỉ ra rằng chúng ta đã bị bỏ lại phía sau hoặc đối với Tu Hội, tỉnh dòng và các cá nhân, sự hấp dẫn nào đó của các cuộc đại phúc đã bị mất đi… Nếu chúng ta đặt mình trong bối cảnh truyền giáo mới mà Đức giáo hoàng đã kêu gọi chúng ta, thì chúng ta sẽ khám phá ra rằng những gì chúng ta cần chính là một lòng nhiệt thành mới, ngõ hầu đảm nhận việc loan báo Tin Mừng ngang qua sứ vụ này cũng như qua truyền thống Vinh Sơn. Không phải có cái gì đó nơi nhà truyền giáo, cũng như khuynh hướng lưu động vốn là đặc trưng của thánh Vinh Sơn và các thừa sai đầu tiên, đã bị mất đi trong một số tỉnh dòng của chúng ta hay sao? Sức sống mới này nói lên niềm đam mê đích thực và sâu sắc đối với người nghèo và với công việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Nó nói cho chúng ta về một ý thức mạnh mẽ là trở thành những kẻ bước theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng rao giảng Tin Mừng đầu tiên của người nghèo và là Đấng mà chúng ta muốn rập khuôn đời sống của mình.[1] Và cuối cùng, nó nói với chúng ta về một tình yêu lớn lao dành cho Giáo Hội.

1.3.      Xây dựng cộng đoàn, khơi dậy niềm tin

Từ Hiến Pháp, chúng ta thấy rõ mục đích của đại phúc Vinh Sơn: canh tân và đem lại sức sống mới cho con đường đức tin nơi một cộng đoàn, giáo xứ hoặc giáo phận. Mục đích này cũng có thể là thức tỉnh đức tin thông qua lời công bố Tin Mừng đầu tiên. (HP 14)

Mục đích của đại phúc Vinh Sơn ngày nay vẫn còn hiệu lực, bởi vì làm gì có cộng đoàn nào không cần canh tân? Có biết bao người chưa nhận được lời công bố Tin Mừng đầu tiên!

2. Đại phúc Vinh Sơn

2.1.      Với những lời của thánh Vinh Sơn

Dẫn người nghèo đến chỗ nhận biết Chúa, loan báo Chúa Kitô cho họ, nói với họ rằng triều đại của Thiên Chúa đã gần kề và triều đại này là của họ và dành cho họ.[2] Tin Mừng mà chúng ta phải mang đến cho người nghèo, chính là sự nhận biết Chúa Cha, được mặc khải trong Chúa Kitô, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

2.2.      Trong thời đại chúng ta

Làm thế nào chúng ta có thể diễn tả đại phúc Vinh Sơn cho ngày hôm nay? Chúng ta hãy nói rằng “Đại phúc Vinh Sơn là một hành động mục vụ ngoại thường, phục vụ cho công việc mục vụ thông thường thông qua việc rao giảng Lời Chúa cách phong phú và mãnh liệt, bởi vì đây là thời kỳ ân sủng dành cho khía cạnh mục vụ ngôn sứ của việc công bố và tố giác.”[3] Nói cách khác, chúng ta có thể nói rằng cuộc đại phúc thực hiện sự hoán cải, hướng dẫn và cam kết Kitô giáo mạnh mẽ hơn. Trong thực tế, chúng là sự tổng hợp của các bài linh thao, về giáo lý và luân lý, về thực hành cầu nguyện và sám hối, hướng vào toàn thể dân chúng trong một khu vực, tìm kiếm một sự biến đổi sâu sắc dựa theo Tin Mừng.

2.3.      Mục tiêu đặc thù của cuộc đại phúc Vinh Sơn

Xây dựng trong cộng đoàn, giáo xứ, khu vực… thành một gia đình được sinh động bởi Lời Chúa; tin tưởng và bước theo Chúa Giêsu Kitô; cùng nhau cử hành đức tin và cùng nhau xây dựng Nước Thiên Chúa.

Như tài liệu Santo Domingo đã chỉ ra, cộng đoàn này có thể được xây dựng bởi “các cộng đoàn nhỏ thân thuộc”. Các cộng đoàn nhỏ này là nền tảng và trụ cột của cả cộng đồng, giáo xứ và chính Giáo Hội.[4]

Cuộc đại phúc tìm cách nâng cao ý thức nơi các chủ chăn trong cộng đoàn, cũng như nơi chính cộng đoàn, về việc dấn thân truyền giáo của họ với tư cách là những người được rửa tội đứng về phía Giáo Hội địa phương cũng như hoàn vũ, ngõ hầu họ sẽ là những tác nhân đầu tiên của cuộc đại phúc và đời sống họ về sau.

3. Đại phúc lưu động và hội nhập văn hoá

3.1.      Về hội nhập văn hoá và truyền giáo

Chúng ta hãy nói một lời về chính việc hội nhập văn hoá: đó là một tiến trình mà qua đó, sứ điệp Kitô giáo được đưa dần dần vào trong một nền văn hóa theo các tiền đề của nền văn hóa đó. Đó là việc gieo hạt giống Phúc Âm vào trong một nền văn hóa, để đức tin có thể phát triển ở đó và thể hiện mình theo cách thức riêng của nó.[5]

Một cuộc truyền giáo mang tính hội nhập có thể được mô tả như một hành động mà trong đó bốn yếu tố phải được xem xét. Chúng ta có thể xếp thứ tự các yếu tố này vào bốn vị trí:

Trong ô đầu tiên, chúng ta đặt tất cả các yếu tố cấu thành việc truyền giáo: làm chứng sống cho Chúa Giêsu Kitô; loan báo và công bố Chúa Kitô bằng lời nói, và hành động theo cách thức một xã hội tràn đầy Chúa Kitô.

Trong ô thứ hai, chúng ta có thể đặt nền văn hóa của một người truyền đạt sứ điệp. Điều rất quan trọng là người công bố sứ điệp phải ý thức về chính nền văn hóa của mình, về các yếu tố cấu thành nền văn hoá ấy, về các giá trị và phản giá trị đã nuôi dưỡng người đó, về các biểu tượng và ngôn ngữ thể hiện tất cả những điều đó. Bằng cách này, người công bố sứ điệp có thể phân biệt giữa nền văn hóa của mình và sứ điệp Phúc Âm. Nhờ đó, anh ta có thể mang lại nước uống, mà không cần phải uống cả chiếc ly.

Ở ô thứ ba, chúng ta cần đặt vào đó nền văn hóa của người nhận sứ điệp. Nếu văn hóa của người nghe không được xem xét cẩn thận, thì người công bố sẽ không truyền tải được thông điệp một cách thực sự và thông điệp ấy sẽ không bao giờ được lĩnh hội như là Tin Mừng, vốn là một lời đáp trả cho những khát vọng sâu xa về cuộc sống của những người đang nghe.

Có một truyền thuyết nói rằng một lần kia, Chúa quyết định đến thăm trái đất và Ngài gửi một thiên thần đi kiểm tra tình hình trước khi viếng thăm. Thiên thần trở về nói rằng họ không có thức ăn… họ không có việc làm. Và Chúa nói: “Vậy thì ta sẽ nhập thể dưới dạng của ăn cho người đói và việc làm cho người thất nghiệp.”

Cuộc sống được sống và thể hiện trong chính bối cảnh văn hóa của mình mà không thu hẹp nó. Văn hóa tỏ lộ cho chúng ta cốt lõi của các giá trị, khát vọng, và những vấn nạn sâu xa mà với vai trò là ánh sáng và men muối, Tin Mừng mang lại câu trả lời bằng việc chiếu sáng và sinh động. Nhiều cuộc đối thoại trong Tin Mừng vén lộ cho chúng ta mối liên hệ chặt chẽ giữa những vấn nạn hiện sinh về cuộc sống và những câu trả lời của Thiên Chúa được mặc khải trong Chúa Kitô.

Trong ô thứ tư, chúng ta xét đến sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng đang hoạt động trong người được rao giảng Tin Mừng và nền văn hóa của người đó. Văn hóa không phải là không gian trống rỗng vắng bóng những giá trị đích thực. Có những hạt giống của Lời hiện diện trong đó, và những hạt giống này lớn lên trong khi tiếp chạm với Lời Chúa, là Lời biến đổi và sinh động mọi thứ. Không phải là sự có mặt của người loan báo mang lại sự hiện diện của Chúa cho nơi đó, bởi lẽ Người đã luôn ở đó rồi. Cùng lắm là sự hiện diện của người loan báo giúp cho sự hiện diện của Chúa được nhìn thấy, được khám phá, được tỏ tường hơn thôi.

3.2.      Các đặc tính của việc hội nhập văn hoá nơi cuộc đại phúc Vinh Sơn

a. Giáo Hội

Cuộc đại phúc mà chúng ta thực hiện phải được đề nghị bởi các giám mục hay cha xứ. Họ là những người ban cho chúng ta năng quyền để thực hiện công việc truyền giáo trong lãnh thổ được giao phó cho họ.

Các cuộc đại phúc của chúng ta cố gắng đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội và luôn phải nằm trong các kế hoạch mục vụ của giáo phận và giáo xứ được làm đại phúc.

b. Phổ quát

Việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô nhằm mục đích đến với mọi người có thiện chí.

c. Ưu tiên dành cho người nghèo

Như hệ quả của đặc sủng Vinh Sơn của chúng ta, chúng ta lựa chọn các cuộc đại phúc giữa những người nghèo và người bị bỏ rơi nhất trong xã hội chúng ta: những kẻ sống ngoại vi của các thành phố lớn, những người nông dân và dân tộc thiểu số.

Tin Mừng và lựa chọn ưu tiên cho người nghèo là một yếu tố nền tảng trong thực tế đáp ứng các yêu cầu của sự hội nhập văn hoá. “Nhìn từ phía người nghèo” là then chốt của công việc truyền giáo. Về mặt phương pháp, điều này được thể hiện trong việc mang lấy quan điểm của người khác, trong việc để cho mình bị chất vấn và thậm chí để mình được rao giảng Tin Mừng bởi họ nữa. Đó là đặt mình vào vị trí của người khác, điều này ngụ ý một thái độ đối thoại.

Tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta tìm kiếm và đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết hơn của những nơi bị ghi dấu bởi sự nghèo đói, và cũng là nơi cần nhất đến sự hiện diện của nhà truyền giáo cũng như việc rao giảng Tin Mừng để biến đổi thực tại của họ.

d. Ngôn sứ

Đồng thời, cuộc đại phúc của chúng ta duy trì niềm vui rao giảng Tin Mừng và cảm thức hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta ý thức mình là một phần của đoàn người lữ hành, luôn bước đi trên con đường hoàn thiện và mở ra niềm hy vọng về chiến thắng chung cuộc của Nước Trời. Trong mọi cuộc đại phúc đều có lời báo hân hoan về Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cũng như lời tố cáo về tất cả những thực tại tội lỗi trái ngược với Nước Trời.

e. Tham gia

Đại phúc được thực hiện bởi chính cộng đồng yêu cầu nó, vì một cộng đồng được loan  báo Tin Mừng cũng phải là một cộng đồng loan báo Tin Mừng. Các nhà truyền giáo đến từ bên ngoài chỉ là người trợ giúp, dĩ nhiên là quan trọng, nhưng chỉ có thế mà thôi. Vào thời điểm hiện nay của Giáo Hội, việc hợp tác giữa những người này là không thể thiếu trong tiến trình rao giảng Tin Mừng.

f. Tuỳ hoàn cảnh

Chúng ta phải bắt đầu từ thực tế địa phương, xem xét đến tín ngưỡng dân gian, các phong tục và tình hình chính trị xã hội, cũng như các hướng dẫn mục vụ của địa phương.

g. Nhập thể

Đi vào giữa lòng dân chúng, thích nghi với lối sống của họ, để làm rõ đời sống Kitô hữu của cộng đồng.

h. Làm việc chung

Thực hiện công việc đại phúc với một nhóm bao gồm các tác nhân truyền giáo thông thường của nơi đó, cha xứ, các trợ tá, các thừa tác viên, các người chủ sự, các nhóm, hiệp hội, linh hoạt viên của cộng đồng, v.v…

i. Lưu động và cố định

Các nhà truyền giáo đi từ nơi này đến nơi khác, và nếu như đã được các giám mục và cha xứ yêu cầu, thì luôn luôn có khả năng quay trở lại nơi đã làm đại phúc để hoàn thiện công việc được thực hiện trong các cộng đồng này, và trên hết là cùng với các linh hoạt viên giáo dân đã từng dấn thân làm việc cho công cuộc loan báo Tin Mừng nơi cộng đồng của họ.

j. Thánh Mẫu

Cuộc đại phúc của chúng ta phải mang tính Thánh Mẫu vì hai lý do: thứ nhất, đó là một phần của truyền thống Vinh Sơn chúng ta, thứ hai, có một tình yêu lớn và sự tận tâm không thể phủ nhận nơi lòng sùng mộ của dân chúng đối với Đức Maria, và vì thế, lòng mộ mến của mọi người đã thấm đẫm trong sự sùng kính Mẹ của chúng ta.

4. Các phương tiện hội nhập văn hoá trong cuộc đại phúc

4.1       Kiến thức về thực tế

Cần phải biết trước về cộng đồng, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo của nó. Có hai điểm rất cần phải tính đến khi rao giảng: chính thông điệp và lòng khát khao sống. Một khi hai điều này được kết nối, thông điệp sẽ thâm nhập vào cuộc sống và biến đổi nó. Chúng ta hãy xem xét hai cách thế rao giảng cho người dân miền quê:

A. Các anh chị em thân mến, thời đại chúng ta đang sống được đặc trưng bằng sự chảy trôi nhanh chóng của dòng thời gian, mà trong đó, chúng ta trở thành những nạn nhân của việc hoạch định cũng như của máy tính, truyền hình và đồng hồ, ở đó, chúng ta lao vào hết cuộc họp này đến cuộc họp khác, chúng ta trở nên vô cảm với tiếng nói của Thiên Chúa.

B. Các anh chị em thân mến, khi nhìn các cây non chúng ta đã gieo đang chuyển sang màu vàng, chúng ta liền cầu mong mưa sẽ đến. Nếu như không có mưa, chúng ta có thể sẽ bị mất mùa. Mưa là điều cần thiết cho sự sống. Vì lý do này, chính Chúa Giêsu đã không ngần ngại khẳng định ngài là nước sự sống, để ai uống nước đó thì có được sự sống đời đời. Không có nước này, đời sống Kitô hữu của chúng ta sẽ trở nên vàng úa, mục nát và yếu đuối.

Để am hiểu thực tế, điều cần thiết là phải biết hệ thống ý nghĩa của một dân tộc, phải khám phá ra nhu cầu thực sự của họ, chứ không phải những gì nhà truyền giáo tin là quan trọng cho dù với ý ngay lành, và phải phân tích các hành vi, mục đích và ý nghĩa mà họ có.

4.2.      Sự hợp tác của người giáo dân trong tiến trình đại phúc

Điều quan trọng trong cuộc đại phúc là chính người giáo dân đã cam kết hoặc sắp cam kết dấn thân vào cộng đồng, phải biết tiến trình và sự năng động của cuộc đại phúc, để họ có thể đóng một vai trò trong các hoạt động khác nhau của cuộc đại phúc. Hơn hẳn nhà truyền giáo đến từ xa, họ biết văn hóa của chính họ và họ có thể nhân danh mọi người để đưa ra các quyết định tốt hơn cũng như các phương pháp nên được sử dụng.

4.3.      Củng cố cuộc đại phúc

Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi đã thấy điều tích cực trong việc củng cố so với phần chính của các cuộc đại phúc, trên hết là nhằm truyền sức sống cho các tác nhân địa phương đã cam kết rao giảng Tin Mừng. Đó cũng là một cơ hội để nuôi dưỡng họ bằng chất liệu mới, vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong nhiệm vụ và dự phóng đức tin của họ, từ thực tại văn hóa riêng của họ. Công việc này được coi là hữu ích và thích hợp mãi đến hai năm sau khi thực hiện cuộc đại phúc. Điều đáng nói là trong công tác củng cố này, phải có sự quan tâm và dấn thân từ phía linh mục quản xứ cũng như các linh mục hàng ngày đồng hành với dân chúng.

4.4.      Sự năng động của cuộc đại phúc qua “các cộng đồng gia đình”

Nếu giáo xứ là Giáo Hội được tìm thấy giữa những mái nhà của dân chúng, thì giáo hội ấy phải sống và hoạt động gắn chặt trong xã hội con người và trong sự liên đới mật thiết với những khát vọng và khó khăn của xã hội ấy. Giáo Hội ấy có sứ mạng rao giảng Tin Mừng và làm sâu thêm việc hội nhập văn hoá đức tin trong các gia đình. Vì thế, công việc truyền giáo và rao giảng Tin Mừng của chúng ta cũng phải xảy ra cùng với những hoạt động và các suy tư về Lời Chúa đó, vốn nảy sinh từ hạt nhân bé nhỏ là các thành viên trong gia đình, và hoà nhập với những người khác tạo thành cộng đồng lớn của giáo xứ. Để thực hiện công việc truyền giáo theo cách này, chúng tôi tìm cách đưa Tin Mừng thâm nhập vào các thực tại cụ thể nhất của gia đình, để từ đó có thể phát sinh sự thay đổi, hoán cải và cam kết Kitô giáo nhằm xây dựng Nước Thiên Chúa một cách tỏ tường.

Các cộng đồng này là các tế bào sống của giáo xứ, vốn phải mang đặc trưng của một dự phóng truyền giáo rộng lớn hướng vào trung tâm của một cộng đồng địa phương và hướng ra các cộng đồng khác có nhu cầu.

5. Thái độ của nhà truyền giáo trong cuộc đại phúc mang tính hội nhập

“Một gã nhà quê đến gặp bác sĩ mắt để mua kính đọc sách. Bác sĩ đeo kính cho anh ta và đưa anh tới trước bảng chữ cái. Hắn không thể đọc. Bác sĩ mắt tìm cặp kính khác nặng hơn nhưng hắn ta vẫn không đọc được. Cuối cùng, bác sĩ hỏi hắn: “Thế anh đã học đọc chưa?” “Oh, hiện thì chưa, và đó là lý do tại sao tôi cần kính.” Kính đọc sách là vô dụng nếu chúng ta không biết đọc. Cũng vô ích không kém khi biết mọi lý thuyết về việc hội nhập truyền giáo mới nếu như trước đó chúng ta không học trở thành những nhà truyền giáo hội nhập theo nghĩa sâu sắc nhất của từ này, trong ý nghĩ và trong tâm hồn chúng ta.

5.1.      Suy nghĩ và yêu thương con người

Hãy có một trái tim phổ quát tìm cách yêu thương tất cả mọi người. Đây là “con người mới” mà thánh Phaolô đề cập đến: “Vậy không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người.” (Cl 3,11). Đó là con người mới đã được mặc lấy tinh thần và tâm tình của Chúa Kitô: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại, chịu đựng, tha thứ, bình an, tri ân (x. Cl 3,9-17).

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bày tỏ điều này như sau: “Tất cả chúng ta được kêu gọi nhìn nhận sự sự liên đới nền tảng của gia đình nhân loại như là điều kiện cơ bản cho cuộc sống của chúng ta trên mặt đất này.” Thái độ của nhà truyền giáo hội nhập mang ngài lên rất cao nhưng cũng đưa ngài xuống rất thấp để liên đới với những tình trạng thấp kém của phận người.

5.2.      Cởi mở với mọi khác biệt

Cuộc sống của chúng ta được thúc đẩy bởi hai động lực: một cái hướng chúng ta đến với những người giống chúng ta nhất – tầng lớp xã hội, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Cái còn lại hướng chúng ta đến chỗ liên đới với những người khác biệt. Người nào càng khác biệt với chúng ta, thì lại càng thú vị, họ biểu thị một mảng nhân tính được vén lộ cho chúng ta. Khác biệt lớn nhất có thể không phải về mặt địa lý mà đôi khi chỉ là sự khác biệt về lối sống. Chúa Giêsu đã nói điều này trong Tin Mừng. Đối với người Do Thái, người khác là người Samari. Vì thế, Chúa Giêsu cứ nhất định đi đến với người Samari, như chúng ta thấy trong dụ ngôn (x. Lc 10,25-37), trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari tại bờ giếng, hoặc trong việc chữa lành người Samari – người duy nhất trong mười người phong cùi đã tỏ lòng biết ơn.

5.3.      Có khả năng tương đối hoá cái tôi của mình

Trên con đường tạo ra một bản sắc cá nhân hoặc văn hóa, chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng tuyệt đối hóa, trong ý nghĩ rằng mình tự đủ, hoàn hảo, rằng giá trị của những người khác bên cạnh chúng ta có thể là rất nhỏ bé, tất cả đều nhằm củng cố căn tính riêng của chúng ta. Các huyền thoại thậm chí còn được tạo ra với kết thúc bằng sự tuyệt đối hóa, và nghiêm trọng hơn, không có khả năng mở ra cái tôi của mình cho người khác. Nhà truyền giáo là một người tương đối hóa mọi thứ và biết rằng chỉ có một thứ là tuyệt đối: Thiên Chúa. Thái độ của ngài được xây dựng xung quanh điểm này.

Chúng ta biết rằng trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi một trong các thành viên khởi hành một chuyến đi dài, thì người ta đập vỡ một chiếc bình đất sét và trao cho người đó một mảnh vỡ. Khi trở về, mọi người sẽ nhận ra người đó thông qua mảnh vỡ này khi mảnh vỡ này cùng với những mảnh vỡ khác ghép lại thành chiếc bình đất sét. Nếu căn tính của chúng ta chỉ là một mảnh của nhân tính, thì chúng ta phải mở ra để ghép mảnh vỡ đó vào phần còn lại.

5.4.      Chấp nhận mạo hiểm vì cuộc sống của người khác

Đây là một phần cơ bản của ơn gọi truyền giáo của chúng ta, đó là hiến mạng sống của chúng ta cho người nghèo vì nơi họ, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu Kitô. Trong cuộc sống, có những điều đáng để chúng ta mạo hiểm, nhưng quan trọng là phải biết ai là người đáng để chúng ta mạo hiểm cuộc sống. Nhà truyền giáo là người tự tước bỏ sự an toàn của mình để hiến mạng sống cho người nghèo, người bị thương tổn, người bệnh tật, người khốn khổ, và tất cả những ai trên đường đời “bị kết án và chết đói”. Để có được mối liên hệ tốt đẹp như thế với một nền văn hóa khác nhằm rao giảng Tin Mừng, thì cần phải khiêm tốn, đơn sơ, sẵn sàng hy sinh và cầu nguyện thật nhiều.

Phần kết luận

Chúng ta cần tăng cường suy tư và nghiên cứu để biến những điều được đòi hỏi trong số 14 của Hiến Pháp thành sự thật: điều chỉnh các cuộc đại phúc sao cho chúng không trở nên lỗi thời, và do đó, lãnh đạm với các như cầu của Giáo Hội ngày nay.

Chúng ta cũng cần tìm kiếm các phương pháp mới, chiến lược mới và nội dung thần học mới, nhất là trong các lĩnh vực Kitô học, Giáo Hội học và mục vụ. Những điều này đáp ứng tốt hơn với thực tế cụ thể của các quốc gia và các chỉ thị của Giáo Hội hoàn vũ, của các Hội đồng Giám mục và trên tất cả, của các thực tế cụ thể nơi giáo phận hoặc giáo xứ được làm đại phúc.

Cuối cùng, khi nghĩ về con đường của Tu Hội trong những năm vừa qua, trên tất cả, chúng ta cảm thấy được thúc đẩy thực hiện cách nghiêm túc nghĩa vụ của “những con người mới”, bởi lẽ mọi nỗ lực hội nhập Tin Mừng vào văn hoá khởi đi từ việc giảng đại phúc, sẽ vô ích và không có kết quả nếu không bắt đầu với những ý định đó của chính nhà truyền giáo, người đã thật sự đảm nhận Tin Mừng, việc truyền giáo và linh đạo của thánh Vinh Sơn Phaolô.


[1] HP 1

[2] SV. XI, 387; Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, 26.

[3] Directorio de misiones populares vicentinas, México 1995, p. 4.

[4] Cfr. DSD nos. 55-64

[5] José Manuel Madruga, I.E.M.E., “Teología de la inculturación”, en, [toco]San Vicente y la Misión Ad gentes;[tondo] XXI Semana de Estudios Vicencianos, CEME, Salamanca 1995 pp. 75-98.