Đại phúc với sứ vụ hợp nhất gia đình

0
1222

Antonio Ruiz, C.M.

Tài liệu sau đây là một ví dụ thực tế về việc thực hiện đại phúc liên quan đến các gia đình, từ giai đoạn Tiền đại phúc cho đến giai đoạn giảng đại phúc thực sự. Ở đây tôi đưa ra hai mô hình, một mô hình được sử dụng trong nhà thờ giáo xứ và mô hình còn lại thì trong các tư gia thuộc giáo xứ. Mô hình đầu tiên bao gồm một sự chuẩn bị đại phúc công phu hơn mô hình thứ hai, mặc dù đã có các thông báo trong bảng tin của giáo xứ, thì việc tập trung cầu nguyện cho sự thành công của tuần đại phúc của các tín hữu và các phương tiện truyền thông khác về cuộc đại phúc đóng vai trò như nhau. Trong mỗi mô hình, nội dung và phương pháp lại khác nhau. 

Mô hình thứ nhất

Cuộc đại phúc bắt đầu với những thông báo về nó nhiều tuần trước đó. Công việc này được lên kế hoạch bởi ban hành giáo sau khi được Hội đồng giáo xứ giới thiệu và được linh mục quản xứ chấp nhận. Gia đình, từ trẻ em, thanh thiếu niên đến các cha mẹ, phân phát các tờ rơi do giới trẻ chuẩn bị đến những người hàng xóm, những người sống trong cùng khu phố, cùng dãy nhà hay cùng khu chung cư; bên ngoài lối vào tàu điện, bên ngoài các siêu thị, v.v… Thông báo có thể dán ở cửa sổ cửa hàng, trong tiệm cắt tóc, trung tâm thẩm mỹ và những nơi khác mà mọi người thường hay lui tới. Nếu cuộc đại phúc được dự kiến diễn ra ở một vùng nông thôn với những người lao động nhập cư thì những tờ rơi được gửi đến người dân trên những cánh đồng nơi mà họ làm việc, giúp họ biết về sự kiện sắp tới của giáo xứ. Nếu có thể, nhóm chuẩn bị đại phúc thông báo trên đài phát thanh vài lần. Khi nhà truyền giáo đến, ngài có thể đi tới trạm phát thanh và tự làm điều đó.

Trong thời gian này, toàn thể gia đình giáo xứ lên kế hoạch, suy nghĩ và cầu nguyện cho cuộc đại phúc sắp tới. Hội Legio, các nhóm cầu nguyện, nhóm Mân Côi, v.v… tất cả đều hướng về Thiên Chúa để xin ơn trợ lực cho nhà truyền giáo và đổ đầy nhà thờ với những con chiên lạc, những người xa rời Giáo Hội, những người sống hờ hững và cả những ai cần đến sự tăng trưởng về đức tin và ơn cứu độ.

Cuộc đại phúc thực sự bắt đầu với những bài hát và lời ca tụng. Hát cộng đồng là cần thiết để thu hút mọi người và thúc đẩy họ trở nên sống động, sáng tạo và tập trung vào nỗ lực truyền giáo. Vị linh mục tiến vào đám rước cùng với người đọc sách, các cặp vợ chồng, thanh niên và những người đưa ra chứng từ, cùng những đứa trẻ mang theo băng rôn hoặc dụng cụ trực quan sẽ được sử dụng trong buổi thuyết giảng. Hộ gia đình có mặt từ khi bắt đầu đại phúc và ở đó tham gia tích cực trong các vai trò khác nhau được phân công trước bởi nhóm tổ chức. Sau lời cầu nguyện dẫn nhập của vị chủ toạ, người đọc sách công bố Lời Chúa, lúc đó nhà truyền giáo giới thiệu chủ đề – một vấn đề gia đình – rồi đưa ra một vài điểm quan trọng và sau đó ngồi xuống. Một hoặc hai cặp vợ chồng nói về vấn đề này, ví dụ như bạo lực gia đình. Họ giải thích điều đó có thể là do thể lý, cảm xúc tính dục, hay lời nói, v.v… và đưa ra các trường hợp của họ. Rồi họ ngồi xuống. Một chàng trai trẻ, một cô gái trẻ hoặc cả hai đứng dậy và đưa ra một bằng chứng cho thấy hành vi đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào và cảm giác của họ lúc đó và bây giờ ra sao. Họ chỉ ra những tổn thương đã để lại trên tính cách của họ và cả nỗi sợ hãi, chứng mất ngủ, thiếu tự tin, chối bỏ, giận dữ… Họ cho thấy một gia đình không êm ấm có thể ảnh hưởng  như thế nào đến sự phát triển bình thường trong các mối tương quan của họ và họ dễ dàng tìm đến trú ẩn trong các băng nhóm để có được sự bảo vệ, an toàn và sức mạnh. Các trẻ em đứng trong suốt thời gian này với các dụng cụ trực quan trong tay nhằm minh họa cho cộng đoàn để cuộc nói chuyện được làm sáng tỏ. Trẻ em cũng có thể được đưa vào để kể câu chuyện của mình trong từng trường hợp, điều này tạo thêm tính thực tế, kịch tính, thuyết phục và chạm đến tâm lý của mọi người.

Trong những trường hợp khác, các thanh thiếu niên dựng một vở diễn hoặc làm một vở kịch ngắn, trực tiếp hay qua trình chiếu, một bộ phim gia đình về bạo lực, ảnh hưởng của ma túy, nghiện rượu hoặc tình dục bừa bãi. Các trẻ em có thể giúp đỡ trong bài giảng thuyết, sử dụng các biểu ngữ, kịch câm, nhảy múa nhằm minh họa cho nhà giảng thuyết khi đang nói.

Cộng đoàn đã nhận thức được về vấn đề và bây giờ thì nó tùy thuộc vào nhà truyền giáo để nói với mọi người chúng ta sẽ làm gì về việc này. Nhà truyền giáo có thể lí giải quá trình tự lừa dối bản thân trong việc đón nhận sự giúp đỡ: không phải bây giờ, ngày mai; hoặc tôi không có vấn đề gì, tôi có thể thay đổi bản thân bất cứ lúc nào tôi muốn, tôi không cần sự giúp đỡ từ bất kì ai. Sau đó, nhà truyền giáo đưa Thiên Chúa vào trong cảnh ngộ này để cho thấy rằng bằng việc quy phục một quyền năng cao hơn, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình như thế nào. Chúng ta cần sự hỗ trợ và khuyến khích của người khác và đó là lí do tại sao việc kết nối họ với bất kì nhóm giáo xứ, lớp Kinh Thánh, nhóm cầu nguyện, việc phục vụ, thăm hỏi người bệnh, công tác tình nguyện trong giáo xứ hoặc cộng đồng, tham gia vào bất kì ngành nào trong gia đình Vinh Sơn là rất quan trọng.

Buổi chia sẻ kết thúc với một bài hát vui vẻ được hát bởi cả cộng đoàn. Nếu mọi người tham gia là đa văn hóa hoặc nói hai thứ tiếng thì chúng ta có thể hát những bài hát bằng tiếng này hoặc tiếng kia. Chúng ta là thân thể của Đức Kitô.

Các chủ đề khác đáng quan tâm là thói nghiện truyền hình ở nhà, nghiện tiền bạc, nghiện lang thang tại các trung tâm thương mại, đi mua sắm hằng ngày, điên cuồng vì giảm giá hoặc chỉ đơn thuần là đi mua sắm ngoài cửa hàng vì buồn chán, nghiện rượu, ma túy, bạo lực tuổi teen, các băng nhóm, v.v…

Tôi thích lôi kéo cả gia đình chuẩn bị những lời cầu nguyện, chọn bài hát, chơi và hát. Hát cộng đồng là cách tốt nhất để làm cho gia đình gắn kết. Hãy đẻ họ ca ngợi Chúa với cử điệu tay và chuyển động cơ thể của họ. Cần có một ca trưởng đứng trước mọi người hát, giơ tay, vỗ tay, thể hiện các cử động mà anh ấy muốn cộng đoàn theo. Những đứa trẻ có thể là những nhà hoạt náo tuyệt vời. Hãy chắc chắn rằng họ thích những gì họ làm.

Mô hình thứ hai

Mô hình này diễn ra tại nhà của giáo dân. Chúng ta bắt đầu với một nhóm hai hay ba người. Họ đã sẵn sàng hoán cải và nhiệt tình chia sẻ về đức tin của họ với người khác. Người chủ nhà mời những người Công giáo hàng xóm đến nhà anh ta và vị linh mục tụ họp những người này lại thành cộng đoàn trong thánh lễ. Những người được mời cũng có thể là bà con của bạn bè. Nhóm này sẽ giải thích rằng ơn gọi phép rửa mời gọi họ mang Tin Mừng đến cho người khác. Những tuần sau đó, thay vì thánh lễ thì họ quy tụ lại để bắt đầu với lời chúc tụng, những bài hát hay kinh mân côi. Sau đó, họ sử dụng bản “Minh họa giáo lý” – giảng giải giáo lý toát yếu của nhà xuất bản Công giáo New York. Đó là bản hỏi thưa giáo lý, rất dễ dàng để tìm hiểu. Bản hỏi thưa này khá đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn và dễ sử dụng. Một thành viên của nhóm đặt câu hỏi cho những người trưởng thành hiện diện và những người hiện diện cũng có thể hỏi lại anh ta những câu hỏi khác. Mục đích của tiến trình này là học hỏi những câu trả lời đích đáng liên quan đến những chân lí nền tảng của ơn cứu độ theo một cách có hệ thống, không vội vàng nhưng tiệm tiến. Bản hỏi thưa giáo lý đi theo cấu trúc của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn về dạy giáo lý số 21 như sau: “Giáo lý Công giáo phải đề cập đến những gì thiết yếu, mà không có ý giải quyết mọi vấn đề đang trong vòng bàn cãi hoặc biến thành một nghiên cứu thần học hay một chú giải khoa học; nhưng nó phải khá đầy đủ, không dừng lại ở việc loan báo mầu nhiệm Đức Kitô lần đầu như chúng ta làm ở kerygma; nó phải là một khai tâm Kitô giáo toàn diện, mở ra cho tất cả các nhân tố của đời Kitô hữu.” Họ cũng sử dụng Cẩm nang cho Công giáo ngày nay cùng với bản Hướng dẫn Giáo lý của Giáo hội Công giáo, Nhà xuất bản Liguori. Thanh thiếu niên và các trẻ lớn có thể có mặt trong buổi chia sẻ. Nếu chúng ồn ào và không giữ trật tự thì có thể được đưa đến một phòng khác, và một thành viên trong nhóm dạy chúng những câu chuyện Kinh Thánh và những thứ khác phù hợp với khả năng của chúng. Phương pháp hỏi thưa tương tự cũng có thể được sử dụng ở đây. 

Thật là quan trọng để kết thúc với một lời cầu nguyện, tại đó, nhu cầu của mọi người được trình bày một cách rõ ràng và được hướng lên tới Thiên Chúa. Thật dễ dàng cho mọi người để cầu nguyện theo cách này bởi vì tất cả mọi người đều có những nhu cầu cụ thể của chính họ và cho người khác, liên quan đến sức khỏe, đau khổ, nỗi buồn, vấn đề gia đình, công việc, giáo dục con cái, khát vọng tương lai của họ, v.v… Nhóm phải đảm bảo rằng tất cả mọi người đều có cơ hội nói điều gì đó, dưới hình thức cầu xin hay tạ ơn. Chẳng có cái gì là vô nghĩa cả. Mọi thứ cần kết thúc bằng một bài hát và một nụ hôn chúc bình an.

Trong quá trình truyền giáo này, những người ngoài Giáo Hội bắt đầu hỏi nhóm, làm thế nào để tôi có thể rửa tội cho con của tôi? Tôi muốn được làm phép cưới tại nhà thờ; làm thế nào để Lupita được rước lễ lần đầu? Tôi đang mang thai một đứa con gái, chúng tôi chẳng có tiền để nuôi nấng đứa trẻ, trả tiền cho bệnh viện và chăm sóc nó. Người mẹ thì quá trẻ. Giáo hội sẽ giúp đỡ chúng tôi thế nào? Những câu hỏi này và cả những câu hỏi khác nữa được giải đáp bởi những thừa sai giáo dân. Các thừa sai này chỉ dẫn họ đến các giáo xứ, giáo phận hoặc tổ chức hỗ trợ khác nhau.

Dựa theo mô hình đại phúc này thì nhóm trở thành sợi dây liên kết giữa giáo xứ và dân chúng, không chỉ mang họ đến với Tin Mừng của Chúa mà còn cung cấp cho họ nhiều hỗ trợ có giá trị. Làm việc theo cách này, họ cho thấy Giáo Hội chăm sóc toàn thể con người, chứ không phải chỉ có linh hồn. Họ cũng xây dựng cộng đoàn và thiết lập những mối tương giao. Chúng ta có thể có một cuộc truyền giáo thường xuyên trong giáo xứ,  được thực hiện bởi những đơn vị giáo xứ. Sau khi kết thúc việc đại phúc tại một nhà, thì một trong các thành viên trong gia đình này sẽ lập nhóm với một thành viên đã tồn tại trước đó và quá trình tiếp tục ở một ngôi nhà khác, được mở đầu với sự hiện diện của vị linh mục và đi kèm với thánh lễ.

Để thành lập nhóm, hai hoặc ba người sẵn sàng và có khả năng thực hiện điều đó, họ cần có một sự chuyển đổi ban đầu và một quá trình đào tạo. Điều này được thực hiện bằng việc gửi người đến làm phong trào Cursillo,[1] đến Hội Thảo về đời sống tâm linh, Phong trào thăng tiến hôn nhân,[2] hoặc bất cứ hình thức tĩnh tâm nào mà mọi người cảm thấy họ được diện đối diện với Chúa và tìm thấy vận mệnh cuối cùng của họ, được tiếp thêm sức mạnh để đi vào thế giới và thay đổi nó.

Trong thời kỳ thiếu thốn linh mục truyền giáo, mô hình này có thể được sử dụng rất tốt để giáo dân tham gia vào quá trình truyền giáo theo cách thức không áp lực, thực tế, sử dụng nguồn nhân lực, thời gian và tài năng của mọi người. Những thừa sai giáo dân này, một khi chúng ta làm cho họ cảm thấy họ quan trọng thì họ sẽ trở nên nhiệt tình, tận tụy và sẵn sàng thực hiện công việc đại phúc.

Nhìn vào thế kỷ 21, mô hình thứ hai này trở thành công cụ đắc lực trong tay người giáo dân dưới sự bảo trợ của cha xứ hoặc cha phụ tá.


[1] Cursillo là một Phong Trào Công Giáo. Thành hình từ cuối thập niên 1940 tại Mallorca, Tây Ban Nha. Đã đi vào đời sống đức tin của hằng triệu người Công Giáo khắp nơi trên thế giới. Danh xưng chánh thức là Cursillo de Cristiandad có nghĩa là khóa học ngắn về Kitô Giáo. Phong Trào Cursillo đã giúp người Tín Hữu: Biết đặt Chúa Giê-Su vào trung tâm điểm của đời sống, hiểu biết về Thiên Chúa và Giáo Hội, khám phá thêm về ơn gọi làm nhân chứng Phúc Âm nơi các môi trường trần thế.

[2] Đó là một đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, hoạt động Tông đồ trong môi trường gia đình, nhằm đáp ứng phần nào về đường hướng Mục Vụ Gia Đình của Giáo Hội.