Đức tin giữa biển đời giông tố – Lời Chúa Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm A

0
1019

1. Các bài đọc Lời Chúa

Bài đọc 1: 1 V 19,9a. 11-13a

Sách các Vua quyển thứ nhất: Thiên Chúa hiện ra với Êlia trong tiếng gió nhẹ.

Ðáp Ca: Tv 84,9ab-10. 11-12. 13-14

Thánh vịnh 84: Thiên Chúa là nguồn mạch ơn cứu độ.

Bài đọc II: Rm 9,1-5

Thư thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma: thánh Phaolô nói về những đặc ân của Chúa sẽ xuống trên nhà Israel.

Tin Mừng: Mt 14,22-33

Tin Mừng theo thánh Matthêu: Đức Giêsu đi trên mặt biển và các môn đệ nhận biết Ngài là con Thiên Chúa.

2. Chia sẻ

Ngày nay, chúng ta đang phải đối diện với nhiều khủng hoảng, nhiều “cơn bão” trong đời sống. Những cơn bão này có thể xuất phát từ trong tâm hồn, nhưng cũng có thể đến từ bên ngoài. Nhất là trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch covid-19, những lo sợ mới về cuộc sống lại càng gia tăng hơn. Đó có thể là nỗi lo về bệnh tật, sự khủng hoảng về nghề nghiệp, việc làm, thu nhập… và từ đó kéo theo nhiều nỗi lo lắng và khủng hoảng khác nơi bản thân mỗi người và trong gia đình, trong cộng đoàn.

Đôi lúc chính bản thân tôi cũng cảm nghiệm được những điều lo lắng tiềm ẩn đấy và cũng có khi nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn.

Câu chuyện của ông Phêrô đi trên mặt biển hôm nay cho tôi thấy được hoàn cảnh của mình, cũng như của những ai cũng có chung hoàn cảnh như thế trong cuộc hành trình thiêng liêng của cuộc sống.

Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh nhân vật Phêrô là chính yếu. Như trong nhiều lần khác, ông luôn là người thay mặt anh em để đối thoại trực tiếp với Đức Giêsu. Câu chuyện trên biển mà ông là nhân vật trung tâm đã cho chúng ta thấy khá rõ về tính cách hấp tấp, bốc đồng của ông. Nhiều lần ông đã thất bại trong cách hành xử của ông vì tính cách này.

Nhưng chính qua những lần như thế, Đức Giêsu chỉ ra cho các môn đệ của Ngài thấy rằng: để đi đúng đường lối của Chúa, những kẻ theo Ngài sẽ phải đối đầu với rất nhiều những khó khăn. Cuộc hành trình theo Chúa đòi hỏi một cách phản ứng khác với cách phản ứng của người đời. Phêrô đã bốc đồng theo những phản ứng mang tính cách người đời như thế, nên ông đã thất bại.

Vậy thì cách phản ứng đúng đắn của một người theo Chúa giữa các trạng huống khó khăn của cuộc sống là gì? Thưa đó là cách phản ứng trong đức tin. Phản ứng trong đức tin đó là luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các biến cố và tin tưởng nơi Ngài. Qua các bài đọc hôm nay tôi nhận ra rằng:

Chúa luôn hiện diện trong âm thầm bên cạnh ta

Khởi đi từ chi tiết của bài Tin Mừng “Người lên núi một mình mà cầu nguyện” (Mt 14,23) – đó một một bầu khí riêng tư âm thầm giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chúa Giêsu luôn sống trong mối tương quan với Chúa Cha và luôn nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống. Chúng ta cũng nên học Chúa Giêsu, đôi khi, nên biết tạm lánh khỏi những người xung quanh, đến một nơi riêng tư thích hợp để trò chuyện với Chúa qua những lời cầu nguyện. Những đám đông xung quanh thường là một sự phân tâm lớn với các Kitô hữu nhiệt thành.

Thật thế, trong Bài đọc một sẽ cho ta thấy rõ hơn về sự hiện diện của Thiên Chúa. Sách các Vua trình thuật Thiên Chúa hiện ra với Êlia nhưng Chúa không ở trong gió bão, sấm chớp, động đất nhưng là trong tiếng gió hiu hiu.

Sự ồn ào, náo động không phải là nơi lý tưởng để tìm gặp Chúa. Sự hiện diện của Chúa thường dễ nhận ra và lắng nghe được tiếng Ngài qua cầu nguyện âm thầm hoặc thái độ tĩnh lặng của nội tâm và như thế tôi dễ dàng nhận ra rằng Chúa đang hiện diện bên cạnh tôi cách âm thầm.

Đức tin giữa giông tố

Trước sự hiện diện của Đức Giêsu trên mặt biển, Phêrô cảm thấy rất tự tin và ông đã nói “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy” (Mt 14,28). Ông tin rằng nếu được Thầy mình ra lệnh, ông có thể làm được những điều mà tự bản thân không thể.

Thế nhưng, điều tự tin ấy chẳng được bao lâu thì ông đã phải kêu cứu “Lạy Thầy, xin cứu con!” Vì ông đối diện với sóng to gió lớn của biển cả và lúc ấy ông bắt đầu chìm.

Nỗi sợ hãi bao phủ Phêrô dù rằng Đức Giêsu vẫn đang ở đấy với ông. Điều này cho thấy rằng chừng nào Phêrô còn giữ con mắt và đức tin tập trung vào Chúa Giêsu thì ông còn có thể đi trên mặt nước. Nhưng chỉ một khoảnh khắc nghĩ về bản thân, sự yếu đuối của mình và sự dữ dội của những cơn gió, của những giông tố bên ngoài thì ông liền bị chìm xuống.

Và rồi lại một lần nữa, đức tin đã cứu ông khi ông kêu cầu và Chúa đã đưa tay giữ ông lại. Dù đức tin của Phêrô kém cỏi nhưng ông đã biết đặt niềm tin ấy nơi Chúa. Ông đã gọi Chúa cứu ông, chứ không phải những môn đệ khác cũng đang ở đấy, những người đầy kinh nghiệm vượt biển.

Qua niềm tin của Phêrô, tôi tin vào những điều chúng ta có thể làm được nhờ sự trợ giúp của Chúa. Qua câu chuyện của Phêrô, tôi cảm nhận được những yếu đuối, những sợ hãi của bản thân. Và cuối cùng, tôi biết rằng không ai có thể nhận được từ Chúa sức mạnh mà họ không kêu cầu và nếu không có Chúa, tôi chẳng làm được gì bằng sức riêng của mình.

Giữa giông tố trần gian tôi mới biết tôi phải đặt niềm tin mình nơi đâu!

Đức tin của người Kitô hữu luôn đòi hỏi một sự gắn kết với Thiên Chúa. Cho dù đức tin đó có ở mức độ nào, thì sự gắn kết đó luôn làm cho đức tin được sống động và được củng cố bởi Thiên Chúa. Điều quan trọng là luôn nhận ra sự yếu đuối của đức tin, để xin Chúa ban sức mạnh cho niềm tin. Nhất là khi phải đối diện với khủng hoảng, đau khổ, sợ hãi, lo lắng trong một thời gian dài, đôi lúc chúng ta đặt câu hỏi hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống.

Một tấm gương gần đây cho tôi về bài học đức tin giữa những thử thách giống tố, đó là gương Đức Hồng y Pell, Tổng giám mục Sydney, Úc Châu, khi ngài bị tù oan hơn 13 tháng. Đầy là một quãng thời gian tăm tối trong cuộc đời của ngài. Trả lời trong một cuộc phỏng vấn sau khi được thả tự do, Đức Hồng y đã chia sẻ rằng: “đức tin Công Giáo của tôi đã nâng đỡ tôi, đặc biệt sự hiểu biết này: sự đau khổ của tôi không cần phải vô nghĩa nhưng có thể được kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi, vì biết rằng Chúa luôn ở bên tôi, ngay cả khi tôi không hiểu Người muốn làm gì trong hầu hết mười ba tháng ròng.”

Chúa luôn hiện diện âm thầm và quan sát mỗi người đặc biệt là trong những cơn cám dỗ, khủng hoảng và khó khăn. Chúa bảo dảm với chúng ta rằng, nếu chúng ta nhận ra Chúa hiện diện thì không có gì phải sợ hãi. Chúng ta đấu tranh với sự sợ hãi thường ngày trong đức tin và tin tưởng tín thác và tình yêu của Chúa. Vậy tôi đã có những nỗi sợ hãi nào mà không dám tin tưởng ở Chúa không?

“Chính qua các cơn thử thách và cám dỗ mà Chúa biết ai là kẻ mến Ngài.” Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM