1. Các bài đọc
Bài đọc I: Is 40,1-5. 9-11
Trích sách Tiên tri Isaia: Isaia nói dân chúng chuẩn bị một con đường cho Đức Chúa.
Ðáp ca: Tv 84,9ab-10. 11-12. 13-14
Thánh vịnh 85: ơn cứu độ của Thiên Chúa đã gần kề.
Bài đọc II: 2 Pr 3,8-14
Trích thơ thứ hai của Thánh Phêrô Tông đồ: thánh Phêrô dạy rằng chúng ta phải luôn luôn thánh thiện bởi vì ngày trở lại của Chúa không thể được báo trước.
Tin Mừng: Mc 1,1-8
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô: Gioan tẩy giả rao giảng sự sám hối và làm phép rửa cho dân chúng, chuẩn bị cho những ai sẽ được lãnh phép rửa trong Thánh Thần.
2. Chia sẻ
Bước vào Chúa Nhật thứ II mùa vọng, mọi người được mời gọi suy nghĩ về hành vi sám hối. Sám hối để tỏ lòng hoán cải đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay minh họa hai hình ảnh nổi bật đó là vị ngôn sứ và lời kêu gọi hoán cải.
Trước hết nơi bài đọc thứ nhất, sách ngôn sứ Isaia minh họa cho chúng ta hình ảnh của một vị ngôn sứ rao giảng về sự sám hối. Ông đến để nói cho dân chúng rằng “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng….” (Is 40,3).
Và rồi hình ảnh này được phác họa rõ nét hơn trong bài Tin Mừng qua lời rao giảng của Gioan tẩy giả. Và ông lại lập lại cùng một sứ điệp ấy “hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Mc 1,3)
Gioan tẩy giả chính là vị ngôn sứ chuẩn bị trực tiếp cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, như Tin Mừng Maccô đã nói “này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con” (Mc 1,1 )– Câu này được kết hợp giữa sách ngôn sứ Malakhi 3,1 “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến” và Is 40,3 như trong bài đọc thứ nhất.
Theo các nhà chú giải, Thánh Máccô mở đầu Tin Mừng của mình bằng cách viện dẫn thẩm quyền của các vị ngôn sứ, điều này giúp cho mọi người, cả người Do-thái và dân ngoại, sẵn lòng tiếp thu những gì ông thuật lại; vì thẩm quyền của các ngài rất được tôn trọng. Ở đây, ông Gioan Tẩy Giả được giới thiệu là một ngôn sứ của Thiên Chúa. Bằng phép rửa và lời rao giảng của mình, ông chuẩn bị tâm hồn cho người Do-thái để họ đón nhận Đấng Mêsia. Qua hai hình ảnh này gợi lên cho tôi vài điều suy nghĩ:
Dù là ai cũng cần hoán cải
Nơi bài đọc thứ nhất vị ngôn sứ đã dùng một loạt các động từ để nói về việc sửa con đường của Chúa : đó là hãy “dọn”, hãy “sửa”, hãy “lấp”, hãy “bạt”, hãy “uốn thẳng”, hãy “san”…tất cả điều này gợi lên các trạng thái khác nhau trong tâm hồn mỗi người. Có những tội lỗi nặng nhẹ khác nhau, có những tội lỗi nông sâu khác nhau, có những khoảng cách nội tâm khác nhau,…nhưng tất cả đều có chung một điểm, đó là chưa phải là con đường của Đức Chúa.
Vì thế nó cần phải được “cải tạo” lại tùy vào “địa hình” khác nhau mà làm cho nó phù hợp. Tình trạng tâm hồn mỗi người cần hoán cải để cải tạo lại, để canh tân tâm hồn, cho trở nên con đường của Đức Chúa khi Ngài đi qua.
Điều này giúp tôi nhận ra những ‘thung lũng” của sự thờ ơ trong tầm hồn mình; nhận ra những “ổ voi, ổ gà” trong tương quan với tha nhân; những “núi sừng sững”, những “cong queo” trong lương tâm mình, để cho xứng đáng cho ngày đến của Đức Chúa.
Tâm tình này thánh Phêrô củng cố các thành viên trong giáo đoàn của mình trong bài đọc hai “..Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối”(2 Pr 3,9). Đó là điều Chúa muốn, đó là hoán cải. Hoán cải để thấy rằng họ có một khát khao để lãnh nhận ơn cứu độ.
Trở nên ngôn sứ của Chúa cho người khác
Trong khi chính bản thân được mời gọi hoán cải, thì mỗi người kitô hữu cũng được mời gọi để trở nên vì ngôn sứ để nói về ơn cứu độ của Chúa cho người khác “Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ!” (Is 40,9).
Người ngôn sứ sẽ là người của Chúa, ông nghe những gì Chúa dạy ông nói và nói lại điều ấy cho dân để chúng hoán cải và được sống. Tác giả trong bài đọc thứ nhất đã khích lệ tất cả những ai được mời gọi trong vai trò là người rao giảng Tin Mừng hãy mạnh dạn hãy can đảm.
Phải chăng đây là một thách đố cho chúng ta trong thời đại này. Vì nói thẳng, nói thật thường hay thiệt thòi và bất lợi cho bản thân. Thế nhưng là ngôn sứ của Chúa thì chúng ta được khích lệ hãy can đảm. Điều này giúp tôi nhìn nhận về tình trạng của tôi trong thời đại này? Tôi có dám nói sứ thật, làm sự thật, nghĩ ngay thẳng nơi tôi đang làm việc, đang phục vụ. Tôi đã sống vai trò ngôn sứ của mình như thế nào cho những người xung quanh tôi?
Một đời sống nhân đức và thánh thiện khi trông chờ Chúa đến
Tâm tình này được diễn tả rất rõ nơi cả bài bài đọc thứ hai trong thư của thánh Phêrô là “Vì mọi vật ấy tiêu tan đi, nên anh em càng phải sống thánh thiện và đạo đức biết bao, khi anh em mong chờ và thôi thúc ngày Chúa đến”(2 Pr 3,11), còn hình ảnh thứ hai là hình ảnh khiêm tốn của Gioan tẩy giả“Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (Mc 1,6). Đó là những tấm gương của một đời sống hãm mình, rèn luyện bản thân trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến.
Tâm tình sống thánh thiện luôn là một tâm tình luôn cần phải có cho những ai đang mong chờ Chúa đến. Từ việc sám hối, đến sống thánh thiện sẽ tạo nên một con đường xứng đáng cho Chúa ngự đến. Đó là tâm tình để đón nhận ơn cứu độ. Bản thân chúng ta cũng như chính bản thân ông Gioan tẩy giả không phải là cứu cánh là ơn cứu độ của chính mình, nhưng là “Đấng sẽ đến sau.”
Các bài đọc hôm nay, Gioan tẩy giả đã trở nên như một khuôn mẫu cho chúng ta trong tâm tình chờ đợi Đấng Mêsia. Trong đời sống luôn phải có một giấc mơ hoán cải. Đó luôn là tâm tình xứng đáng cho Đấng Mêsia đến trong cuộc đời chúng ta.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM