1. Các bài đọc
Bài đọc I: Ed 34,11-12.15-17
Trích sách Tiên tri Êdêkiel: Chính Chúa là mục tử nhà Israel.
Ðáp ca: Tv 22,1-2a.2b-3.5.6
Thánh vịnh 22: Chúa là mục tử của tôi.
Bài đọc II: 1 Cr 15,20-26.28
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô: vì Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết, nên tất cả những ai đã chết cũng sẽ được sống lại với Người.
Tin Mừng: Mt 25,31-46
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Chúa Giêsu dạy rằng khi con người đến trong vinh quang, người sẽ phân xử các quốc gia, tách biệt Chiên ra khỏi Dê.
2. Chia sẻ
Hôm nay toàn thể Giáo hội cử hành lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, như một kết thúc của năm phụng vụ 2019-2020. Việc cử hành lễ này vào cuối năm phụng vụ cũng là một thông điệp nhắc nhớ về thời điểm cuối cùng của thế giới theo chiều kích cánh chung.
Ngày cuối cùng của thế giới là khi Thiên Chúa hoàn tất thế giới trong thời gian và đưa nó vào thời gian vĩnh cửu, khi Đức Kitô ngự đến trong vinh quang của Người để phán xét thế gian.
Việc suy tư về chiều kích cánh chung của năm phụng vụ và của ngày lễ này có một ý nghĩa đặc biệt cho đời người, cách riêng cho người Kitô hữu, nhất là trong hoàn cảnh của năm nay, khi cả nhân loại đã phải đối diện với một bối cảnh khá đặc biệt của dịch covid-19. Dường như trận dịch này đã phần nào vạch trần cái ngụy tạo của con người về cuộc sống của chính mình. Qua trận dịch nó cho thấy con người ta yếu đuối mỏng dòn và mọi sự chỉ là tạm bợ và giới hạn.
Trong tâm tình lễ Chúa Kitô Vua với cái nhìn chung cuộc qua biến cố thời đại, tôi được mời gọi để nhận ra:
Tôi đang trên cuộc lữ hành tiến về cùng đích
Bài đọc 2 trích thư thánh Phaolô đã khẳng định cho tôi điều này. Đó là ngài nhắc nhớ con người về cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô và số phận con người. Đức Kitô đã chết và đã phục sinh và tất cả những ai tham dự vào cái chết của Chúa cũng sẽ phục sinh. Tức là mới chỉ có Đức Kitô đã hoàn tất cuộc phục sinh vinh hiển của Ngài, còn tất cả những người Kitô hữu vẫn còn đang trong tình trạng chờ đợi ngày cuối cùng ấy. Nghĩa là tiến trình này sẽ diễn ra trong trật tự và Đức Giêsu Ðức Kitô chính là “hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc” (1 Cr 15,20).
Đó là một viễn cảnh vui mừng và xinh đẹp vào ngày tận cùng của thế giới. Đức Kitô đã đang trị vì và kẻ thù Ngài đã đang suy phục Ngài, nhưng nó chưa đến hồi kết thúc. Các tín hữu đang chờ đợi ngày phục sinh của mình để được cùng sống mãi với Đức Kitô khi mà “Người đặt mọi quân thù dưới chân Người. Kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15,24).
Đó là viễn cảnh Thiên Chúa đặt để Đức Kitô tất cả trong mọi sự. Đó là khoảnh khắc của sự cứu độ sau cùng. Điều này nhắc nhở tôi rằng sự dữ và thần chết vẫn đang còn tồn tại. Nó đang còn hiện diện trong cuộc sống của tôi và tôi vẫn còn phải chiến đấu để dành ơn cứu độ của mình.
Lễ Chúa Kitô Vua mang đến cho người Kitô hữu niềm hy vọng về sự chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tôi vẫn phải cố gắng mỗi ngày để đi đến sự cùng đích của đời người. Điều này nhắc nhở tôi để khỏi rơi vào sự hoang tưởng là tôi đã được cứu độ rồi và không cần phải làm hay cố gắng gì thêm cả cho phần rỗi của tôi. Vì thế tôi cần thức tỉnh về nhận thức này trong cuộc đời tôi.
Chúa là mục tử và là vua của lòng thương xót
Cả Bài đọc 1 và bài Tin Mừng đều họa lên rất rõ hình ảnh của Đức Giêsu là vị mục tử và là vị vua đầy nhân hậu và thương xót.
Bài đọc 1 là một viễn cảnh về mục tử và đàn chiên và sự phân xử của Ngài với đoàn chiên. Sẽ không còn một sự hỗn độn, vô trật tự của đàn chiên, mà nó sẽ được phân tách rõ ràng, Chiên với Dê, con lành với con bệnh, con chiên lạc với con chiên tại chuồng, con thương tích sẽ được chữa lành.
Đức Kitô trong ngày chung thẩm sẽ đến và phân xử Chiên với Dê; kẻ lành – người dữ và trao ban phần thưởng hay hình phạt tùy theo chúng như thế nào.
Thiên Chúa nhân hậu thương xót nhưng cũng đầy sự công bình. Ngài sẽ đối xử với từng người tùy theo tình trạng họ đã sống, như mục tử chăm sóc cho từng con chiên. Tôi tự hỏi liệu mình có đặt để bản thân để được Chúa hướng dẫn chăm sóc và đi theo trật tự hay là một con chiên “lạc lối” trên hành trình thiêng liêng.
Lễ Chúa Kitô Vua mời gọi tôi phó thác cuộc đời trong tay Chúa. Đặt Ngài làm Vua, làm chủ chiên trong cả cuộc đời mình và để cho Ngài săn sóc tùy theo tình trạng thiêng liêng của tôi. Điều này nhắc nhớ tôi luôn phải thuộc về một đàn chiên là Giáo hội và chủ chiên là Đức Kitô và những ai kế nhiệm Ngài trong vai trò chủ chiên.
Sự “ngạc nhiên” thiêng liêng
Trong bài Tin Mừng, vào ngày chung thẩm, Đức Giêsu đã làm ngạc nhiên cả hai bên là Chiên với Dê “có bao giờ tôi thấy…” Cả hai đều không biết về những giá trị mình đã làm cho Chúa. Trong cùng một điều ấy, nhưng có sự ngạc nhiên đưa đến niềm vui hân hoan vì được lãnh nhận phần thưởng, rồi cũng có những ngạc nhiên mang lại cay đắng và thất vọng.
Thế nhưng, tôi sẽ không ngạc nhiên khi tôi chọn để sống thuộc về phía Chiên hay phía Dê. Vì điều này tôi đã biết về kết quả của nó như thế nào. Đức Kitô đã bị quên lãng nơi những ai thuộc về phía Dê và Đức Kitô đã được phục vụ nơi những ai đứng về phía Chiên.
Nó sẽ chẳng là điều ngạc nhiên khi tôi chọn để sống phục vụ Đức Kitô nơi người anh em. Nó chỉ ngạc nhiên là tại sao tôi đã không chọn sống phục vụ Đức Kitô cho người anh em. Tôi đang chọn đứng về phía nào? Chắc hẳn không ai muốn mình thuộc về bên Dê, mà chỉ muốn là con Chiên tốt lành.
Hành trình dương thế này là cuộc hành tình để tôi thêu dệt nên cuộc sống mai sau của mình. Nếu tôi cố tình thờ ơ với những gì mà tôi cần phải làm để đạt được sự sống vĩnh cửu, thì Thiên Chúa cũng sẽ thờ ơ để trao ban phần thưởng cho tôi.
Ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ nhắc nhớ về ngày cánh chung và những giá trị vĩnh cửu, cũng như sự thống trị hoàn toàn trên trời dưới đất của vương quyền Thiên Chúa. Không còn bất cứ điều gì có thể cản trở điều ấy xảy đến, có điều là khi nào nó sẽ đến và tôi chuẩn bị cho căn cước công dân của Nước Trời như thế nào mà thôi.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM