Hồng phúc máu đào – Lời Chúa Chúa nhật XXXIII – Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
I. Các bài đọc
Bài đọc I: 2 Mcb 7,1.20-23.27b-29
Bài trích sách Maccabê quyển 2: Tấm gương đức tin của người mẹ và các con mình.
Ðáp Ca: Tv 125,1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Thánh vịnh 125: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Bài đọc II: 1 Cr 1,17-25
Trích thư thứ nhất thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô: Vì tiếng nói của Thập Giá là sức mạnh của Thiên Chúa ban cho chúng ta.
Tin Mừng: Lc 9,23-26
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.
II. Chia sẻ
Trong suốt nhiều tháng qua, Giáo hội tại Việt Nam cũng đã phải đối diện với vấn đề mục vụ thực tiễn, là việc đình chỉ các thánh lễ và các sinh hoạt mục vụ tại các nhà thờ, vì đại dịch covid. Là một người Kitô hữu, chúng ta xem điều ấy như một thiệt thòi to lớn về mặt thiêng liêng. Tuy nhiên, qua đó chúng ta thấy một tấm lòng khát khao để tham dự thánh lễ, hiệp lễ và lãnh nhận các bí tích, cũng như làm các việc đạo đức bình dân nơi người tín hữu Việt Nam.
Có lẽ, lòng đạo đức đó hay đức tin là di sản quý báu mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông chúng ta. Đó là các thế hệ tiền bối đã đón nhận đức tin đầu tiên trên đất Việt và đã sống đức tin ấy bất khuất trong các thời kỳ lịch sử cấm đạo khốc liệt tại Việt Nam.
Hôm nay, Giáo hội tuyên dương những con người sáng ngời về đức tin can trường ấy, qua ngày lễ kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Những giọt máu quý giá
Khi nói tới việc tử đạo, người ta sẽ nói về “hồng ân máu đào”. Tức là giá trị mạng sống, mà các anh hùng tử đạo đã dám đánh đổi, để làm chứng cho đức tin. Cái chết tử đạo là bằng chứng để nói lên lòng trung thành với Đấng mà họ đã tin theo và tôn thờ.
Trong bài đọc I, sách Maccabê cho chúng ta thấy tấm gương của những con người trung thành tin theo Chúa và lề luật của Ngài: “Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa” (2 Mcb 7,20). Có lẽ, không có hành vi nào diễn tả được tâm tình trung tín với đức tin, cho bằng việc dùng chính mạng sống của mình để diễn tả điều ấy. Các người con của bà mẹ này đã can đảm, dùng chính sự sống tươi trẻ của mình để bảo vệ đức tin.
Trong dòng lịch sử của Giáo hội. Máu đào của các tín hữu trung tín đã không ngừng tuôn đổ cho đến ngày nay. Vẫn còn đó những bách hại vì những lý do khác nhau. Người Kitô hữu luôn phải đối diện với sự thù nghịch đức tin và họ cũng sẽ sẵn sàng hiến thân để bảo vệ sự trung tín trong đức tin của mình.
Tử đạo thường nhật
Thế nhưng, không phải ai cũng được phúc tử đạo. Phổ quát hơn cả là việc tử đạo trong đời sống thường nhật, để nuôi dưỡng và chăm lo cho đời sống đức tin. Đó chính là những gì mà Chúa Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).
Theo Chúa không phải là ngày một ngày hai, nhưng mà cả đời. Mà như thế thì việc tử đạo hay việc sống đức tin cũng diễn ra hằng ngày. Đó có thể là bổn phận phải chu toàn việc tham dự các thánh lễ; đó có thể là việc siêng năng lãnh nhận các bí tích; chăm chỉ đọc kinh cầu nguyện; nói những lời hay ý đẹp; là gánh nặng và trách nhiệm đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, v.v. tất cả điều ấy đòi hỏi người ta phải tử đạo hằng ngày. Vì qua những gì họ đón nhận trong cuộc sống theo ý thánh thiện và tốt lành, họ thể hiện lòng trung tín trong đức tin của mình.
Chúng ta đã giữ điều này như thế nào trong đời sống thường ngày? Đó là mệnh lệnh đòi hỏi chúng ta trở nên những chứng nhân: “Ðức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo Thập giá của Ðức Kitô ra hư không” (1 Cr 1,17).
Giá trị của thập giá
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đều làm nổi bật một hình ảnh. Đó là thập giá Đức Kitô. Vì chính thập giá này, mà Chúa cứu chuộc chúng ta và vì chính giá trị thập giá này, làm cho cái chết tử đạo của chúng ta mang giá trị vĩnh cửu. Thập giá này không đè nặng người ta xuống trong đau khổ và nước mắt, nhưng chính nhờ thập giá này là nguồn động lực và sức mạnh, để người Kitô vượt qua những gian lao khốn khổ trong cuộc đời, với sự trung trinh của đức tin.
Để sống là một người Kitô hữu công chính, người ta phải trả giá và phải đau đớn. Nhưng với đức tin mạnh mẽ, họ không sờn lòng, quyết nắm lấy thập giá để sống đức tin của mình, vì “sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người” (1 Cr 1,25). Chính thập giá ấy sẽ cứu sống họ và làm cho họ đạt được vinh quang. Còn ai chê bỏ hay không muốn thập giá, thì phần thưởng của người ấy là “vô giá trị”. Vì “quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9,24).
Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhắc nhớ cho người Kitô hữu Việt Nam về gương sáng đức tin của cha ông, nhưng đồng thời, cũng là lời mời gọi sống đức tin sống động ấy trong đời sống hằng ngày trong bối cảnh covid. Chúng ta có trung thành trong việc dự lễ online? Có duy trì việc đọc kinh cầu nguyện sáng tối? Có sống tốt với tất cả những người thân và người lân cận?
Tử đạo không có nghĩa là ngồi chờ chết, vì bị giết do bảo vệ đức tin, nhưng tử đạo là để sống đời sống đức tin mỗi ngày trong sự trung thành và can đảm. Đó là ý nghĩa lớn lao của tử đạo. Khi một người không dám chết đi từng chút một mỗi ngày vì Chúa, thì khó để mà nói họ sẽ dễ dàng chấp nhận cái chết thực sự khi bị bách hại tử đạo.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM