Lời Cầu Nguyện Nào Đẹp Nhất? Lời Chúa – Chúa Nhật Xxx Tn Năm C

Đăng ngày: 26/10/2019

(Bài đọc I: Hc 35,15b-17;20-22a; Bài đọc II: 2Tm 4,6-8.16-18; Tin Mừng: Lc 18,9-14)

Trên thế giới có vô vàn các cuộc thi khác nhau như thi hoa hậu hoàn vũ, thi đấu thể thao, thi game show trên truyền hình, các cuộc thi nghệ thuật, cuộc thi tiếng hát truyền hình vv… Nhưng dường như chưa thấy ở bất kỳ đâu tổ chức một cuộc thi về cầu nguyện. Nếu tổ chức một cuộc thi về cầu nguyện thì ai sẽ là giám khảo? Chúa ư? Xứng đáng nhất nhưng không có thể. Còn ai khác thì cũng là chỉ chấm được cách hành văn, hãy cách diễn xuất cầu nguyện của thí sinh mà thôi chứ làm sao chấm điểm được tâm hồn của họ. Qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay tôi tự hỏi, vậy đâu là lời cầu nguyện đẹp nhất mà Chúa ưa thích? Tôi thiết tưởng rằng lời cầu nguyện đó sẽ là:

Lời cầu nguyện chân thật với Chúa: lời cầu nguyện là một mối tương quan riêng tư giữa Chúa và con người. Cầu nguyện là một khát vọng tâm linh sâu thẳm từ con tim của người cầu nguyện. Chúa là Đấng thấu biết những gì tận sâu thẳm nơi lòng người. Không nói lên thành lời thì Chúa vẫn biết tất cả điều thầm kín đó và điều Ngài cần là “vì ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6). Cho nên không ai có thể che dấu hay tô vẽ thêm trong lời cầu nguyện để mong rằng Chúa sẽ nhậm lời hay Chúa sẽ ưa thích lời cầu nguyện của mình hơn của người khác. Chúa nghe tiếng khóc của người nghèo như Bài đọc I đã miêu tả, vì họ kêu cầu Chúa với tất cả sự thật của bản thân và hoàn cảnh của họ. Họ kêu van Chúa với tất cả sự trong sáng của con tim đau khổ để kêu xin lòng thương xót và sự trợ giúp của Chúa và Chúa đã nhậm lời.

Lời cầu nguyện chân tình với chính mình:  Cầu nguyện với con tim khiêm tốn và lòng thống hối sẽ làm cho lời cầu nguyện bay cao và chạm đến trái tim nhân hậu của Thiên Chúa như Bài đọc sách Huấn ca đã nói. Con người cần nhìn nhận sự thật nơi con người mình và xin Chúa chỉ dẫn cho con đường nên hoàn thiện. Vì thế lời cầu nguyện phải chân tình, không thể cầu nguyện với Chúa với cả một bằng thành tích đạo đức cá nhân như người biệt phái trong bài Tin Mừng. Điều đó không có giá trị với Chúa cả, vì điều Chúa cần là lời cầu nguyện thành tâm với tất cả sự khiêm tốn. Lời cầu nguyện của người thu thuế thật đẹp làm sao: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”, vì “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (Gc 4,6)

Lời cầu chuyện chân thành với anh em: thật tiếc thay cho người biệt phái đã biến lời cầu nguyện của mình thành lời phán xét tha nhân. Anh không đủ can đảm để nhìn vào con tim bất toàn của mình và không đủ chân thành với người anh em. Anh không cầu nguyện cho người anh em nhưng lại xét đoán và như vậy anh cũng chẳng có tâm trí nào cầu nguyện cho chính mình. Vì thế hai chiều kích tương quan với tha nhân và với chính mình đã rạn nứt thì mối tương quan với Chúa cũng sẽ không còn nồng ấm và thân mật nữa. Anh đã thất bại trong lời cầu nguyện của mình. Lời cầu nguyện của anh thiếu đức bác ái với nha nhân và đã không khiêm tốn đủ trước mặt Chúa.

Tất cả điều này nhắc nhở tôi hãy làm những lời cầu nguyện đẹp. Nó không phải đẹp vì tính hoa mỹ của ngôn từ hay hình thức nhưng là nét đẹp của tâm hồn cầu nguyện. Thiên Chúa luôn lắng nghe lời cầu nguyện của mọi người và của tôi như người đã lắng nghe tiếng kêu cứu, tiếng khóc của người nghèo. Chắc Chúa không đòi tôi phải mất công nhiều để chuẩn bị một bài cầu nguyện dài với Ngài mỗi ngày. Nhưng điều Chúa đòi hỏi tôi là tôi có chân thật với Ngài, có chân tình nơi bản thân và chân thành với anh em trong lời cầu nguyện của tôi hay không mà thôi. Lúc này đây tôi cũng sẽ thưa với Chúa: Lạy Chúa xin thương xót con vì con là kẻ có tội.

Pt. Phạm Minh Triều, C.M