1. Các bài đọc
Bài Ðọc I: Ðnl 8,2-3. 14b-16a
Sách Đệ nhị luật: Môsê nói với dân chúng về việc Chúa đã giải phóng họ khỏi cảnh nô lệ Ai cập như thế nào.
Ðáp Ca: Tv 147,12-13. 14-15. 19-20.
Thánh vịnh 147: Chúc tụng Chúa đi, Giêrusalem hỡi.
Bài Ðọc II: 1 Cr 10,6-17
Thư thứ nhất thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Côrintô: dù nhiều, nhưng chúng ta chỉ là một thân thể khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô.
Tin Mừng: Ga 6,51-59
Tin Mừng theo thánh Gioan: Chúa Giêsu nói “Ta là bánh hằng sống.”
2. Chia sẻ
Lễ Mình Máu Thánh Chúa có một lịch sử lâu dài trong Giáo hội từ thế kỷ XIV. Lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành lần đầu tiên tại Liège năm 1247 nhờ những khẳng định thị kiến của một nữ tu Julienne du Mont-Cornillon. Năm 1264, Giáo Hoàng Urbain IV đã bị ấn tượng bởi phép lạ thánh thể sống động tại Bolsena gần Orvieto, nơi ngài đã sống; chính ngài đã công bố sắc lệnh Transiturus và bởi sắc lệnh này thiết lập một lễ trọng mới được cử hành để tôn kính Bí tích Thánh Thể vào ngày thứ 5 sau bát nhật Chúa nhật Lễ Hiện Xuống. Tuy nhiên trong phụng vụ hiện tại chúng ta mừng lễ này vào Chúa Nhật như hôm nay.
Mỗi khi cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa là mỗi lần người Kitô hữu được nhắc nhớ về bí tích tình yêu mà Chúa Giêsu đã dành cho nhân loại qua việc hiến tế chính bản thân làm của lễ và lương thực nuôi sống linh hồn con người. Hình bóng của Bí tích Thánh Thể đã xuất hiện từ trong Cựu Ước và được hoàn trọn trong Tân Ước nơi bản thân Đức Giêsu.
Manna nuôi dân trong sa mạc
Thực vậy, bài đọc I sách Đệ Nhị Luật hôm nay kể về cuộc hành trình của dân Do Thái trong sa mạc 40 năm với bao nhiêu thử thách và đau khổ, nhưng trong cuộc hành trình ấy, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng dân chúng cả hồn lẫn xác. Trong một hoàn cảnh khắc nghiệt của sa mạc khô cằn không lương thực và nước uống, thì chính Chúa đã nuôi dân “ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới” (Đnl 8,3).
Tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua hành trình gian khổ ấy. Dân nhiều lần kêu trách Chúa và Môsê, nhưng Chúa không bỏ mặc dân chúng, nhưng luôn yêu thương và dõi theo dân qua đám mây vào ban ngày và cột lửa vào ban đêm và qua đó Ngài thấy niềm tin tưởng của dân chúng đặt nơi Ngài như thế nào.
Manna, chim cút, nước uống từ tảng đá được ban cho dân Israel trong sa mạc chỉ là những thức ăn nuôi dưỡng phần xác mà Thiên Chúa ban cho họ. Thiên Chúa không để dân phải chết đói, chết khát trong sa mạc, nhưng đôi lúc Ngài thử thách họ để xem họ tin tưởng vào lời Ngài hứa như thế nào.
Ai cũng sợ chết, dân Do Thái cũng sợ chết, nên khi thiếu lương thực và không có nước, họ đã than trách Môsê đã để họ phải khổ cực. Họ thà chết ở Ai cập vì nô lệ nhưng có bánh ăn và nước uống, thì còn sướng hơn là chết trong sa mạc.
Tuy nhiên, điều này cho thấy dân chúng không chỉ đói khát về thực phẩm phần xác nhưng còn đói khát về phần thiêng liêng “con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Con người còn có một nhu cầu thiêng liêng sâu xa hơn những nhu cầu về những thứ thực phẩm mau hư nát đó, đó là lương thực đời đời, lương thực đưa lại phúc trường sinh.
Chúa Giêsu ban Mình và Máu Ngài để chúng ta được sống
Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đã giảng cho dân chúng về lương thực ấy, thứ lương thực mà khi ăn Mình và uống Máu của Chúa, họ sẽ không phải đói khát bao giờ. Thật là khó để mà giải thích những lời tiên báo của Chúa Giêsu về Bí tích Thánh Thể trong bối cảnh văn hóa này của dân Do Thái. Thế nhưng, trước phản ứng của dân chúng “làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” về những lời công bố của Chúa Giêsu, thì chính Đức Giêsu đã một lần nữa khẳng định lại thông điệp mà Ngài vừa nói với họ trong sự xác tín mạnh mẽ hơn “thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi…” (Ga 6,53).
Ngày nay, dưới ánh sáng của Tân Ước và dòng lịch sử sau cái chết và cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng ta đã hiểu được về tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói với dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay. Qua điều này chúng ta nhận ra rằng:
Như dân Do Thái sống nhờ Manna và nước uống trong sa mạc, thì chúng ta, những người đang trên đường lữ hành dương thế, chúng ta cũng cần được nuôi dưỡng phần linh hồn trên hành trình tha hương này. Vì Mình Máu Thánh Chúa chính là nguồn mạch sự sống “và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).
Như vậy mỗi khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa là chúng ta lãnh nhận nguồn mạch sự sống nơi Chúa Giêsu và rồi chính của ăn thiêng liêng ấy mang lại cho chúng ta sự sống đời đời “ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,51).
Khi lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa là chúng ta được trở nên một với Chúa và với nhau
Giống như lương thực vật chất mà chúng ta ăn vào sẽ được đồng hóa trở nên máu thịt của thân xác chúng ta, thì khi chúng ta lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ được đồng hóa với Mình và Máu Thánh Chúa. Đó là sự “thông hiệp với Máu Chúa Kitô” và “thông phần vào Mình Ngài” (1 Cr 10,16) như trong bài đọc II thư thánh Phaolô đã quả quyết.
Như thế, qua việc rước Mình Máu Thánh, chính Chúa Giêsu cự ngụ trong linh hồn chúng ta và làm cho chúng ta nên một với Ngài “ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Còn hạnh phúc nào khi được Chúa ngự trong tâm hồn và được Chúa ở cùng cách gần gũi thân mật như thế “tôi sống nhưng không phải tôi, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Đón nhận tình yêu và sự sống mà Chúa Giêsu trao ban qua Mình và Máu Chúa
Ân sủng bởi Bí tích Thánh Thể là như thế, nhưng nếu chúng ta không phải là người chủ động đón nhận Mình Máu Thánh Chúa thì cũng chẳng ích lợi gì. Điều này giống như chúng ta chết đói trước một bàn ăn vô cùng thịnh soạn với tất cả cao lương mỹ vị, vì “ta bảo thật các ngươi: nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi” (Ga 6,53). Lời mời gọi này mời gọi người Kitô hữu hãy chủ động đến với Chúa Giêsu Thánh Thể trong các thánh lễ và đón rước Mình và Máu Thánh Chúa. Chúa ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài không phải chỉ cho chúng ta chiêm ngắm không mà thôi, nhưng Ngài muốn chúng ta “cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống” (1 Cr 11,24-25) để chúng ta được nhận sức sống từ nơi Mình Ngài.
Một vài suy tư ngắn gọn trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa để cho chúng ta cảm nhận về tình thương mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Tình yêu ấy được thể hiện qua cái chết của chính Ngài và Ngài trao dâng chính mình Ngài cho chúng ta, để trở nên lương thực nuôi sống linh hồn chúng ta.
“Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.” (Tv 116,15)
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM