Một đời sống chọn để yêu và một tình yêu chọn để sống – Lời Chúa Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh

0
1386

(Bài Ðọc I: Cv 2,14a. 36-41; Bài Ðọc II: 1 Pr 2,20b-25; Phúc âm: Ga 10,1-10)

Không biết đã có ai đó làm một nghiên cứu xem là bao nhiêu em thiếu nhi đã từng hóa trang trong tu phục của các tu sĩ nam nữ của ngày lễ ơn gọi thì nay đã thực sự trở thành tu sĩ hay bước vào đời sống tu trì. Có lẽ không dễ để thống kê về điều này, nhưng hy vọng rằng con số sẽ không phải là con số không, hay không có ai cả.

Bối cảnh ngày lễ Chúa Chiên Lành năm nay hầu như không còn những buổi biểu diễn cổ vũ ơn gọi nữa vì dịch corona virus. Do đó, nhiều dòng tu cũng đành phải bỏ qua cơ hội “quảng bá” ơn gọi của dòng mình cho các em thiếu nhi và người trẻ.

Trong tâm tình ấy, tôi xin mượn ba động từ trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay để suy tư về chiều kích ơn gọi trong ngày lễ Chúa nhật hôm nay. Đó là ba động từ: gọi – nghe – sống.

Hy vọng qua Lời Chúa của ngày lễ sẽ giúp tôi Canh Tân đời sống ơn gọi của tôi, cũng như một lời mời gọi cho những người trẻ đang muốn dấn thân trong ơn gọi thánh hiến.

Thứ nhất, ơn gọi đến từ Thiên Chúa: Mỗi người Kitô hữu đều được Chúa kêu gọi theo mỗi cách khác nhau để hoàn trọn đời sống trên trần thế này. Thiên Chúa luôn là người đi bước trước trong mọi ơn gọi. Lời kêu gọi đó cũng được biểu hiện qua các tình huống khác nhau của cuộc sống. Mỗi người có một ơn gọi riêng mà Chúa muốn cho người ấy.

Hãy nhìn vào bài đọc I sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay, khi trong ngày lễ Ngũ Tuần thánh Phêrô và nhóm mười một đã đứng lên và lớn tiếng kêu gọi: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô” (Cv 2,14a). Đó là lời kêu gọi dân chúng tại Giêrusalem hãy suy nghĩ lại những gì họ đã làm cho Đức Giêsu và hãy nhận ra tình thương cứu độ mà Ngài đã thực hiện cho họ.

Nơi bài đọc II, thánh Phêrô đã viết thư cho cộng đoàn của ngài: “anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó” (1 Pr 2, 20). Đây lại là một lời kêu gọi mọi người Kitô hữu hãy sống công chính dù gặp phải khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Và trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói rằng: “kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra” (Ga 10,3). Hình ảnh của người mục tử chăm sóc đoàn chiên của mình. Người mục tử này biết tên từng con chiên và gọi tên chúng, điểm danh chúng trước khi đưa đàn chiên đi ăn cỏ và sau khi đưa đoàn chiên về lại chuồng.

Mỗi bài đọc cho tôi cảm nghiệm về một khía cạnh của ơn gọi đến từ Thiên Chúa. Ơn gọi này hay lời mời gọi này diễn ra theo nhiều cấp độ khác nhau. Có thể là khẩn thiết và dứt khoát như bài đọc I; có thể là một tiến trình lâu dài trong suốt cả đời như bài đọc II; và như một thói quen mỗi ngày như trong bài Tin Mừng về hình ảnh chủ chiên và đàn chiên.

Ơn gọi tu trì là ơn Thiên Chúa kêu gọi một người dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa và tha nhân qua một lối sống đặc biệt. Ơn kêu gọi này thì rất khác nhau nơi mỗi người và tùy vào từng thời điểm trong đời. Chắc hẳn nhiều người cũng đã từng biết về ơn gọi đặc biệt của linh mục này, hay nữ tu kia hay ông thầy nọ. Tất cả dù như thế nào thì đó là một lời mời gọi đến từ Thiên Chúa? Tôi tạ ơn Chúa vì ơn gọi này mà Chúa đang dành cho tôi.

Thứ hai, lắng nghe tiếng Chúa: bài đọc I và bài Tin Mừng cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe. Nơi bài đọc I, dân Do thái khi nghe các Tông đồ nói, thì họ nhận ra rằng đó là các ngài đang nói với họ và nói về họ, vì thế họ được đánh động ngay lập tức và đưa ra phản ứng để cho thấy thái độ lắng nghe của họ “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” (Cv 2,36). Dân chúng trong sách Công vụ Tông đồ hôm nay là ví dụ của việc lắng nghe tốt.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mô tả về việc lắng nghe của các con chiên với người mục tử. Các con chiên nghe theo tiếng của chủ chúng, chứ không nghe theo tiếng người lạ “chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ” (Ga 10,5). Các con chiên đã có một sự nhạy cảm, một sự phân biệt, để biết đâu là tiếng của chủ hay của kẻ khác, thậm chí là những kẻ trộm chiên.

Để biết được tiếng, để quen được một tiếng nói nào ấy, cần có một sự thân mật lâu dài hay cần có một sự nhạy cảm rất đặc biệt. Để lắng nghe tiếng Chúa và để tiếng Chúa tác động lên hành vi đòi hỏi người lắng nghe cũng cần có một mối tương quan thân mật với Chúa.

Cuộc sống có nhiều bận rộn, náo động và có nhiều lời mời gọi hấp dẫn khác. Vì thế ngày nay để lắng nghe được tiếng Chúa không phải là dễ. Người Kitô hữu thường không có nhiều giờ cho việc đọc Kinh Thánh hay suy niệm và cũng ít giờ cho việc cầu nguyện để nghe tiếng Chúa.

Với những ai đã, đang và sẽ sống ơn gọi tu trì đòi hỏi cần có sự lắng nghe tiếng Chúa. Việc lắng nghe tiếng Chúa là để có quá một quá trình biện phân tốt. Biện phân để biết đích xác Chúa đang muốn nơi tôi điều gì và đòi hỏi tôi phải đáp trả như thế nào trong lúc này và trong hoàn cảnh này. Vì vậy cần có những giây phút thinh lặng trong ngày, và có những khoảnh khắc thinh lặng trong đời để lắng nghe tiếng Chúa rõ hơn.

Thứ ba, sống theo lời mời gọi của Chúa: sau khi một người đã được Chúa gọi và lắng nghe tiếng gọi ấy thì đòi hỏi một hành động. Trong bài đọc I, sau lời rao giảng và kêu gọi của thánh Phêrô thì hệ quả là hơn ba ngàn người đã ngài để lãnh nhận phép thanh tẩy: “Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo” (Cv 2,41).

Ở bài đọc II, thánh Phêrô đã khuyên: “vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người” (1 Pr 2,21). Người Kitô hữu được kêu mời để sống như mẫu gương của Chúa. Lối sống của họ làm sao phải họa lại lối sống mà Đức Kitô đã từng sống cho Chúa Cha và cho nhân loại.

Ở bài Tin Mừng, các con chiên khi nghe được tiếng chủ chiên thì chúng sẽ hớn hở nhảy nhót đi theo mục tử để đến đồng cỏ và suối nước cách bình an và hạnh phúc “khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau” (Ga 10,4). Nếu các con chiên chỉ nghe mà không bước theo chủ chiên, nhưng vẫn ở lại chuồng thì chỉ sẽ là những con chiên đói. Vì đi theo chủ chiên là đi đến nơi có đồng cỏ và suối nước. Nơi đó chúng sẽ được ăn no nê và được chăm sóc để có sức sống.

Điều này nhắc nhở tôi về việc bước theo Chúa mỗi ngày để biết những gì Ngài muốn tôi làm hay muốn tôi sống, vì ơn gọi tu trì cũng là một việc bước theo Đức Kitô cách triệt để trên con đường nên thánh qua đời sống tận hiến.

Không riêng gì ơn gọi tu trì, mà tất cả mọi Kitô hữu đều được Chúa kêu gọi để sống một lối sống đặc biệt theo Tin Mừng. Đó là ơn gọi để tiến tới sự hoàn hảo và đạt được ơn cứu độ. Tất cả điều này khởi phát từ chính tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là một tình yêu mà Đức Kitô đã tự hiến tế chính mình vì phần rỗi con người.

Ngày hôm nay các bài đọc Lời Chúa đều diễn tả về tình yêu sâu xa ấy nơi Thiên Chúa. Tình yêu ấy được diễn tả qua cuộc đời của Đức Giêsu. Cách riêng với những ai đang và sẽ sống ơn gọi tu trì thì lời mời gọi này càng mạnh mẽ hơn và đòi hỏi một sự đáp trả bằng một lối sống dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.

Lời của thánh Phaolô để nhắc nhở về lối sống ấy, một lối sống tận hiến cho Thiên Chúa vì một tình yêu và một mục đích cao cả: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2).

Vì thế, có thể nói rằng đời sống tu trì là một đời sống chọn để yêu và một tình yêu chọn để sống theo mẫu gương của Đức Giêsu, Đấng là mục tử nhân lành đã hiến mình vì đoàn chiên. Và tôi tiếp tục được mời gọi để sống tình yêu ấy mà tôi đã chọn và sống bình an hạnh phúc trong đời sống mà tôi đã chọn để yêu.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM