Niềm tin và Kinh thánh – Lời Chúa Chúa nhật III Phục Sinh – năm B

0
881

1. Các bài đọc

Bài đọc 1: Cv 3,13-15,17-19

Trích sách Công vụ Tông đồ: thánh Phêrô rao giảng rằng, Đức Giêsu đã được cho trỗi dậy từ cõi chết và kêu gọi dân chúng hoán cải.

Đáp ca: Tv 4,2,4,7-8,9

Thánh vịnh 4: lời cầu xin tìm kiếm các ân huệ của Chúa.  

Bài đọc 2: 1 Ga 2,1-5a

Thư thứ nhất thánh Gioan tông đồ: những ai nhận biết Chúa sẽ giữ giới răn của Người.

Tin Mừng: Lc 24,35-48

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Đức Giêsu lại hiện ra với các môn đệ và cùng dùng bữa với các ông.

2. Chia sẻ

Sự kiện Chúa phục sinh, có lẽ sẽ là một điều gây tranh cãi nhất trong thế giới loài người cho đến ngày tận thế, giữa kẻ tin và không tin. Thực sự, biến cố phục sinh là một biến cố vượt ra ngoài khỏi tầm trí khôn của con người và khoa học. Cho nên, cần nhìn biến cố này với một chiều kích khác, đó là chiều kích đức tin.

Trải qua 2000 năm lịch sử, mọi người đều phải công nhận là câu chuyện Phục Sinh của Chúa Giêsu quả có sức thu hút thật mãnh liệt. Triết gia Đức Ernt Block nhận định: “chính cái huyền thoại Phục Sinh của Chúa, chứ không phải Bài Giảng Trên Núi của Ngài, đã chinh phục đế quốc La Mã.”

Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta cũng có thể thấy những sự ngỡ ngàng, hoài nghi của chính những môn đệ của Chúa, khi Ngài sống lại “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy?” (Lc 24,39). Đối với họ, Chúa sống lại cũng là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ và thách đố chính đức tin và cái nhìn của họ.

Ơn tha tội

Phục sinh là điều mới mẻ, cho nên trong bài đọc 1, sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy Phêrô đã đứng lên trước toàn dân để làm chứng về sự kiện ấy. Phêrô đã nối kết biến cố này với tiến trình lịch sử của dân Do thái, khi ngài đề cập đến tên tổ phụ Abraham, Isaac và Giacop. Đây chính là những nền tảng tôn giáo quan trọng trong đạo Do thái và như vậy, thông điệp đưa ra sẽ dễ thuyết phục hơn. Qua đó, thánh Phêrô cũng kêu gọi sự hoán cải về những gì họ đã làm cho Chúa vì sự thiếu hiểu biết “Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ” (Cv 3,19).

Trong bài đọc 2, thánh Gioan tông đồ cũng nói về quyền năng tha tội của Đức Giêsu Kitô. Sự phục sinh của Chúa sẽ tẩy rửa con người sạch mọi tội lỗi và làm cho con người trở về tình trạng thánh thiện nguyên thủy. “Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian” (1 Ga 2,2).

Như vậy, một trong những hoa trái của sự chết và phục sinh của Chúa là ơn tha tội. Mọi tội tỗi sẽ trở nên bất lực trước Chúa Kitô và người sẽ đưa nhân loại vào trong thời kỳ sáng tạo mới, trong sự phục sinh của Ngài. Điều mà thánh Phêrô đã khẳng định trước các cử tọa của người Do thái.

Đức tin và Kinh thánh

Trong bài Tin Mừng, chính các môn đệ đã rơi vào hoàn cảnh nghi hoặc như thế. Cho dù Chúa đến và nói “ bình an cho các con”, nhưng xem ra các ông vẫn còn đang lo sợ điều gì ấy, thậm chí tưởng Chúa là ma. Chính khi các ông được đụng chạm với Người khi dường như các ông cũng vẫn còn như “lơ lửng trên không”. Thế rồi, Chúa đã “mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,46). Tức là Chúa đã dùng chính nền tảng Thánh Kinh để củng cố đức tin cho các ông. Như Phêrô trong bài đọc 1, đã củng cố đức tin cho người Do thái, dựa trên những thế giá của các nhân vật trong Kinh thánh.

Thánh Giêrônimô đã nói “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô”. Phải chăng các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Kinh thánh trong đời sống đức tin. Đức tin có được củng cố vững vàng là nhờ có Kinh thánh. Không có nền tảng Kinh thánh, đức tin tỏ ra yếu thế và kém cỏi. Trong tự sắc thiết lập Chúa nhật Lời Chúa “Aperuit Illis”, Đức giáo hoàng Phanxicô đã có lần nói “Vì vậy, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Kinh Thánh, nếu không, trái tim chúng ta sẽ băng giá, đôi mắt sẽ khép lại, và vô số hình thức đui mù sẽ tấn công chúng ta”.

Vì vậy, trong đời sống người Kitô hữu cần sống Lời Chúa, siêng năng đọc Kinh thánh, để rồi chúng ta dễ dàng đón nhận những điều được giải thích cho chúng ta qua niềm tin.

Chúa Phục Sinh đến để củng cố đức tin cho các môn đệ của Ngài, về mầu nhiệm phục sinh. Mỗi ngày chúng ta cũng cần có những lần gặp gỡ như thế với Chúa qua Kinh thánh. Để rồi, chúng ta dễ dàng thấu hiểu và chấp nhận những mầu nhiệm đức tin được truyền đạt trong đời sống chúng ta.

Nhìn vào đời sống đạo, phần lớn những người xa rời đức tin hay có một lối sống đạo hời hợt, là vì thiếu nền tảng giáo lý và Kinh thánh. Kinh thánh chính là dinh dưỡng cho chính niềm tin của người Kitô hữu. Nó là nền tảng vững chắc để xây dựng đức tin. Không có Kinh thánh, đức tin sẽ chỉ được xây dựng trên những lý luận thông thường và như thế nó sẽ sụp đổ khi gặp phải những điều không giải thích được theo lý lẽ thông thường. Cho nên, những bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đời sống đức tin của con cái qua việc học giáo lý, học Kinh thánh để có một nền tảng tốt trong đời sống đạo. Và tất cả mọi Kitô hữu cũng được mời gọi để đọc và sống Lời chúa mỗi ngày.

Ước gì các bài đọc Lời Chúa hôm nay sẽ củng cố niềm tin phục sinh của chúng ta. Đồng thời niềm tin này sẽ là động lực, để mỗi ngày chúng ta hăng say khám phá Lời Chúa hơn nữa, qua việc siêng năng đọc Kinh thánh hằng ngày.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM