Sự vâng phục của đức tin – Lời Chúa Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm B

0
896

1. Các bài đọc

Bài đọc I: 2 Sm 7,1-5. 8b-12. 14a. 16

Bài trích sách Samuel quyển thứ hai: Thiên Chúa hứa với David rằng, sẽ cho trỗi dậy từ dòng dõi của ông một vương quốc sẽ kéo dài đến vô tận.

Ðáp Ca: Tv 88,2-3. 4-5. 27 và 29

Thánh vịnh 88: Ngợi ca Đức Chúa vì Người trung thành với giáo ước của mình.

Bài đọc II: Rm 16,25-27

Bài trích thơ Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma: thánh Phaolô ngợi khen Đức Chúa đã làm cho ơn cứu độ được biết đến.

Tin Mừng: Lc 1,26-38

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca: Thiên thần Gabriel viếng thăm Đức Maria và công bố về việc hạ sinh Đức Giêsu.

2. Chia sẻ

Chúng ta đã đến rất gần ngày Chúa giáng sinh làm người. Dường như, Chúa Nhật thứ IV Mùa Vọng thường bị trở nên mờ nhạt và dễ bị quên lãng, vì đối với nhiều người thì giáng sinh đã về. Thế nhưng, Chúa Nhật này vẫn mang một ý nghĩa đầy đủ và quan trọng cho việc chuẩn bị mừng lễ Chúa giáng sinh.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta chứng kiến những giây phút huyền diệu nhất giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người qua biến cố Truyền tin.

Biến cố này mời gọi mọi người thinh lặng chiêm ngắm huyền nhiệm của mầu nhiệm Nhập thể, khi Ngôi Hai Thiên Chúa được chịu thai trong lòng Đức Mẹ.

Biến cố này phá vỡ bức tường ngăn cách đã bị dựng lên, kể từ khi loài người phạm tội. Qua biến cố này một kỷ nguyên mới của nhân loại được mở ra rực rỡ trước mắt và niềm vui hạnh phúc của con người được trọn vẹn.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho tôi đôi nét tâm tình để mừng Chúa giáng sinh:

Lời ngôn sứ được ứng nghiệm

Quả thật có một mối dây nối kết giữa Tân Ước và Cựu Ước đó là mầu nhiệm Nhập thể. Đức Giêsu chính là trung tâm của sự nối kết đó. Qua bài đọc 1 sách Samuel và lời của Thiên sứ trong bài Tin Mừng khi nói về con trẻ tương lai “Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận” (Lc 1,33).

Qua lời tiên báo này, viễn cảnh của nhà Đavít trường tồn đã thành hiện thực. Điều mà nơi bài đọc một, sách Samuel đã trình thuật về vương triều Đavít và những gì Chúa đã hứa với ông “nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,16).

Thật là rõ ràng về kế hoạch tình thương của Thiên Chúa trong mầu nhiệm cứu độ. Chính Chúa thực hiện lời hứa của Ngài qua người con duy nhất là Đức Giêsu. Đức Giêsu đến và làm cho lời tiên báo ngôn sứ trong Cựu ước nên hoàn trọn. Như vậy, kế hoạch này đã có từ thủa đời đời sau khi con người sa ngã.

Lời xin vâng của đức tin  

Trong lời bài hát “từ lúc mẹ nói lời xin vâng” của Sr. Trầm Hương FMSR có đoạn viết:  “từ lúc mẹ nói lời xin vâng, Trời với đất rất đỗi vui mừng. Ngọt ngào như dòng suối mát giữa nơi xa mạc. Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng XIN VÂNG.”

Mẹ Maria là đại diện cho dân Thiên Chúa đón nhận lời hứa cứu độ vì “ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân” (Đnl 7,7). Mẹ cũng là một nữ tỳ hèn mọn như hình ảnh của dân nhỏ nhất trong các dân “này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền” (Lc 1,38).

Biến cố đầy sự ngạc nhiên và bỡ ngỡ cũng như bối rối. Mẹ đã nói lời xin vâng. Lời xin vâng quyết định mọi việc. Thế nhưng, không dễ để nói lời xin vâng đó, nếu Mẹ không có một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa. Mẹ sẽ phải trả giá cho lời xin vâng của mình trước bàn dân thiên hạ, gia đình và lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Thế nhưng, Mẹ hiểu thánh ý Chúa dành cho mình, nên Mẹ đã nói lời xin vâng trong sự tin tưởng. Lời xin vâng của Mẹ không chỉ là để có đủ điều kiện cho việc “mang bầu” Ngôi Hai Thiên Chúa ngay lúc đấy thôi, nhưng là lời xin vâng cho cả đời. Xin vâng cho mầu nhiệm Nhập thể thì cũng là để vâng ý Chúa, đón nhận mọi sự cho đến khi Con Thiên Chúa kết thúc sứ vụ trên trần thế.

Đây chính là chiều kích đức tin của xin vâng. Tức là chấp nhận bước vào con đường “phiêu lưu, mạo hiểm’ với công trình của Thiên Chúa. Nếu không xuất phát từ đức tin, có lẽ Đức Mẹ sẽ phải hối hận vì lời xin vâng của mình và sẽ tìm cách thoái thác nó.

Không, Mẹ đã không rơi vào viễn cảnh như vậy, vì Mẹ tin mọi sự Thiên Chúa sẽ làm nơi bản thân Mẹ và qua đó, là cho thế giới.

Đức tin ấy cho phép Mẹ trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng để nói lời xin vâng vì ngay lúc ấy, Mẹ đâu có hiểu hết mọi vấn đề mà thiên sứ nói với Mẹ. Và qua biến cố đó, Mẹ cảm nhận một điều như thánh Phaolô đã nói trong bài đọc 2 “theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày,…. để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin” (Rm 16,26).

Vâng phục theo thánh Phaolô là để lắng nghe, lắng nghe với sự chú tâm và chú ý, để rồi chuẩn bị cho sự được biến đổi bởi sự lắng nghe ấy. Mẹ đã lắng nghe ấy với đôi tai của con tim. Lắng nghe là cách duy nhất để biến đổi.

Như Đức Mẹ đã nghe lời thiên thần, cho phép con tim của Mẹ bị tổn thương vì ân sủng của Chúa. Đó là cách khác của nói lời xin vâng. Mẹ biết mọi thứ dường như không thể. Nhưng sau khi lắng nghe thiên thiên, Mẹ cảm nghiệm mọi sự đều có thể với Thiên Chúa như thiên thần nói “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Xin vâng trong đức tin làm cho điều không thể thành có thể. Đức tin sẽ dẫn chúng ta đến ánh sáng toàn vẹn của mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Thiên Chúa đang được tỏ bày cho chúng ta. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, chúng ta sẽ được thấy ánh sáng của huyền nhiệm ấy trong ngày giáng sinh.

Xin vâng như mẹ

Trong cuộc sống có nhiều lúc Chúa cho chúng ta phải đón nhận nhiều biến cố, biến cố vui buồn, mọi cung bậc của cảm xúc con người. Thế nhưng, theo lối bình thường, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận với lòng biết ơn Chúa với những biến cố dễ chịu, thuận lợi, bình an và vui vẻ trong cuộc sống hơn các biến cố khác. Đây là một thách đố của đời sống đức tin. Có những người gặp phải những thử thách đau khổ đã vội chê trách Chúa và khủng hoảng đức tin. Hôm nay, gương Đức Mẹ dạy chúng ta một điều quan trọng. Nếu tin tưởng vào Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận mọi biến cố trong cuộc sống mà không sợ hãi gì. Vì Chúa chính là người sẽ củng cố chúng ta trong niềm tin với những lời xin vâng trong cuộc sống.

Chúng ta dám nói lời xin vâng để kỷ nguyên của Thiên Chúa luôn hiện diện trong đời sống chúng ta và để người được “nhập thể” mỗi ngày trong đời sống chúng ta. Đó chính là cảm thức của bài hát đó được vang lên mỗi ngày trong cuộc đời “từ lúc mẹ nói lời xin vâng, Trời với đất rất đỗi vui mừng. Ngọt ngào như dòng suối mát giữa nơi xa mạc. Huyền nhiệm quá muôn đời tiếng XIN VÂNG.”

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM