(Cv 9,1-21; Ga 6,52-59)
Các bài đọc Kinh Thánh vừa nghe nói với chúng ta về sự cứng lòng nơi con người.
Quả vậy, bài đọc thứ nhất cho thấy sự cứng lòng nơi ông Phaolô, ông đã hăng say bắt bớ các tín hữu theo Chúa Kitô bất luận đàn ông hay đàn bà, để giải về Giêrusalem. Còn ở bài Tin Mừng, người Do Thái nghe Chúa Giêsu giảng dạy, họ đã không tin vào những gì Chúa nói khi tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Vậy, làm sao chúng ta có thể thay đổi sự cứng lòng nơi bản thân mình?
Dựa vào lời Chúa và cuộc hành trình trở lại của thánh Phaolô, con xin gợi ý ba điểm sau để mọi người cùng suy gẫm.
Thứ nhất, chúng ta không nên nhiệt thành kết án người khác. Quả thật, thánh Phaolô rất hăng say bắt bớ các tín hữu sơ khai, điều này làm cho nhiều tín hữu phải đau khổ. Sự bắt bớ của Phaolô làm cho các tín hữu không thể tự do ca tụng Thiên Chúa. Hành động của thánh nhân đã khiến Khanania sợ hãi, không dám tiếp cận mình. Từ bài học lịch sử này, chúng ta thấy Phaolô quá sai lầm qua hành vi của mình đối với những người tin vào Chúa Giêsu. Qua kinh nghiệm này, chúng ta hãy lấy làm bài học cho bản thân. Bởi vì trong cuộc sống, nếu chúng ta kết án hay dán nhãn cho bất kì ai, sẽ gây ra hậu quả khó lường. Đầu tiên, chúng ta làm tan biến mối dây hiệp nhất, làm tổn thương danh dự hay nhân phẩm của người bị dán nhãn. Kế đến, ta sẽ làm cho cuộc sống của họ trở nên bế tắc và gặp nhiều đau khổ. Tệ hơn nữa, chúng ta sẽ bị mọi người xa lánh vì chính thái độ kì thị, nhẫn tâm của mình với anh em khác.
Để tránh thái độ lên án người khác, chúng ta không nên quá vội vàng xét đoán một vấn đề theo hướng chủ quan. Thái độ này dễ dẫn đến việc “thấy cái rác trong mắt anh em, nhưng không thấy cái xà trong mắt mình” (Mt 7,4). Do đó, chúng ta cần phải tìm hiểu vấn đề mà người anh em mình đang gặp phải. Sau đó, chúng ta suy xét, cân nhắc đắn đo để đưa ra một lời khuyên, một sự giúp đỡ ân cần, thay vì đưa ra những lời nói chua chát hoặc hành động khiếm nhã. Sách Châm ngôn khuyên chúng ta rằng: “Ai muốn có bạn bè thì quên đi lầm lỗi, nhắc hoài chuyện cũ làm cho bạn bè xa mình.” (Cn 17,9)
Thứ hai, chúng ta cần suy gẫm về biến cố xảy ra với bản thân. Bài đọc thứ nhất tiếp tục cho ta thấy sự hăng say của Phaolô sau khi nhận được lệnh đi Đamát. Mắt ông hăm hăm như muốn quật ai xuống đất. Lòng ông đang rạo rực khí thế anh hùng, ông đang cố hết sức để lập công với giới lãnh đạo Do Thái. Thế nhưng, đời ông chỉ như người thợ dệt đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ (x. Is 38,12). Biến cố làm tan biến những tham vọng của thánh Phaolô chính là cú ngã ngựa và đôi mắt bị mù. Biến cố của thánh Phaolô có những nét khá tương đồng với thánh Vinh Sơn. Vì thánh thánh Vinh Sơn cũng có một khoảng thời gian vắng bóng trong lịch sử vì đi tìm kiếm của cải cho bản thân. Sau này thánh nhân đã kể lại rằng đó là khoảng thời gian ô nhục vì bị bán làm nô lệ.[1] Có một điểm chung lớn giữa thánh Vinh Sơn và thánh Phaolô là đã cầu nguyện với Chúa. Các ngài đã cầu nguyện để suy xét về thái độ, cách hành xử về biến cố đã xảy ra.[2]
Qua biến cố, chúng ta thấy rằng thân phận con người quá mỏng giòn, yếu đuối. Cho dù chúng ta có kế hoạch, dự định cho cuộc đời mình hoàn hảo đến mấy, thì người thực hiện điều đó chính là Đức Chúa. Do đó, chúng ta cần cầu nguyện trong thử thách gian truân, nhờ cầu nguyện chúng ta sẽ nghiệm được thánh ý Chúa và không đi trước Chúa Quan Phòng. Sách Huấn ca khuyên chúng ta phải đối mặt với biến cố gian truân như sau: “Mọi chuyện xảy đến cho con, con hãy chấp nhận, và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục.” (Hc 2,4-5)
Thứ ba, chúng ta cần làm bùng cháy lên ngọn lửa của Chúa Thánh Thần. Sau khi cầu nguyện, thánh Phaolô được chữa lành sự mù lòa của thể xác và sự cứng lòng nơi tâm hồn. Kết quả đó chính là do ơn sủng của Chúa Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, ngài đã loan báo Tin Mừng cứu độ rất hăng say, trái ngược với sự bắt bớ trước kia.
Không chỉ riêng thánh Phaolô, các môn đệ trước kia cũng từng co ro, sợ sệt không dám loan Tin Mừng phục sinh. Sau này, nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã mạnh dạn, không còn sợ hãi, thay vào đó là thái độ tín thác và lòng nhiệt huyết dấn thân cho Nước Trời.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội, củng cố bằng Bí tích Thêm sức. Hằng ngày chúng được lãnh nhận ơn sủng của Thánh Thần thông qua Mình và Máu Chúa. Do đó, chúng ta cần ý thức về ân sủng mình đã lãnh nhận. Từ ân sủng này, chúng ta hãy tận dụng để sống cho trọn một ngày sống của mình, hãy làm việc với tình yêu mến, hãy phục vụ người khác và coi họ như chính là Chúa vậy.
Tóm lại, sự cứng lòng nơi bản thân con người vẫn còn rất lớn, chúng là chướng ngại vật cản đường ta, làm ta không thể đón nhận Mình và Máu Chúa. Điều này làm cho Bí tích Thánh Thể ta rước hằng ngày không thể hiện được hết ý nghĩa. Bởi vậy, ta cần tránh thái độ lên án người khác; suy ngẫm về biến cố xảy đến với mình và để Chúa Thánh Thần hoạt động trong suy nghĩ, lời nói, hành động của bản thân. Từ đây, chúng ta mới có thể tự do thực hiện thánh ý của Chúa và không còn sống cho riêng mình. Amen.
Anrê Dũng Lạc Phạm Ngọc Thiện
[1]X. Học viện Vinh Sơn 2019. Lược Sử Thánh Vinh Sơn Phao-lô. Trang 13.
[2] X. Ibid, trang 19.