Suy niệm thứ năm sau Chúa nhật IV Mùa Chay

0
1163

(Xh 32,7-14; Ga 5,31-47)

Trong suốt cuộc đời thao thức tìm kiếm “Chân Lý”, thánh Augustinô đã cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho ngài. Vì thế thánh nhân đã thốt lên rằng: “Ngôi Hai giáng sinh vì lý do nào, nếu không phải để tỏ cho ta biết rằng tình Chúa yêu ta”. Và cũng chính vì tình yêu này, với lòng nhiệt thành, thánh Phaolô đã ra đi và rao giảng khắp mọi nơi: “Chính Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).

Chính vì thế, qua các bài đọc Kinh Thánh hôm nay, Lời Chúa nói về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ở bài đọc, dân Ít-ra-en đã đúc một con bê, rồi sụp lạy và tế nó. Điều này đã làm cho Đức Chúa nổi giận và muốn dáng phạt trên dân của Người. Thế nhưng, qua lời nài van của ông, “Đức Chúa đã thương và không giáng phạt dân của Người” (Xh 32,14). Còn ở trong bài Tin Mừng, Đức Kitô Giêsu đã mặc khải và nói về tình thương của Chúa Cha. Thế nhưng, người Do thái đã “không có lòng yêu mến Thiên Chúa” (Ga 5,42).

Vậy, chúng ta làm gì để sống trong tình yêu của Thiên Chúa? Để trả lời câu hỏi này, con xin dựa vào các bài Thánh Kinh, để chia sẻ đôi điều, để chúng ta cùng sống trong tình thương yêu của Ngài.

Trước hết, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thật vậy, trong bài Tin Mừng, để tỏ lòng yêu mến trên hết tất cả, Đức Kitô đã luôn thi hành thánh ý Chúa Cha. Chính Ngài đã nói với người Do-thái: “Đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi, để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó, đã làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” (Ga 5,36). Bởi lẽ, yêu Chúa trên hết mọi sự, chúng ta sẽ tìm thấy một suối nguồn bình an và hạnh phúc. Chính nơi Ngài, chúng ta sống một cuộc đời có ý nghĩa và tròn đầy. Từ chính cảm nghiệm này, thánh Gioan Maria Vianey đã nói: “Yêu Chúa hết tâm hồn, tức là chỉ yêu một mình Người, tức là làm cho người hiện diện trong những gì chúng ta yêu mến”. Chính vì lẽ đó, để đáp lại tình yêu Thiên Chúa, chúng ta hãy yêu mến “Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn con”, như lời Đức Giêsu Kitô dạy (Mt 22,37)

Thứ đến, chúng ta hãy thương yêu bản thân của mình. Yêu thương thân xác là điều dĩ nhiên, nhưng chưa hẳn là đủ. Bởi lẽ, thân xác rồi sẽ trở về các bụi, còn linh hồn sẽ luôn sống mãi. Vì thế, Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta hãy yêu thương thân xác của mình. Bởi vì, “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,19). Không những thế, thân xác chúng ta còn được nâng lên cao hơn, ngay khi Ngôi Hai mặc lấy xác phàm. Chính Đức Giêsu Kitô đã tự so sánh mình với Đền thờ Giêrusalem (Ga 2,19) và cho mình còn trọng hơn Đền Thờ: “Tôi bảo các ông, đây còn có gì lớn hơn Đền Thờ nữa” (Mt 12,6). Mà giá trị cốt yếu của Đền Thờ là sự hiện diện của Thiên Chúa và chỉ có sự hiện diện ấy mới có thể là cao cả hơn Đền Thờ. Như vậy, qua câu nói của Đức Giêsu ngụ ý rằng, trong bản thân Người luôn có sự hiện diện và có Thiên Chúa ở cùng.

Sau cùng, chúng ta hãy yêu thương tha nhân như chính mình. Tình yêu tha nhân này đã được thánh Vinh Sơn nói đến rất nhiều. “Chúng ta yêu mến Chúa thôi chưa đủ, tình yêu này phải được kết hợp với lòng yêu thương tha nhân” (SV II,261). “Thử hỏi ai là người đáng khen hơn: người yêu mến Thiên Chúa, nhưng không lưu tâm đến anh em; và người yêu mến anh em vì yêu mến Thiên Chúa?” (SV XII, 261). Chính vì lẽ đó, ở bài đọc, vì yêu thương dân tộc của mình, ông Môsê đã quên mình và cầu thay nguyện giúp cho dân Do thái, để họ khỏi bị giáng phạt: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài hãy nhớ đến các tôi tớ Ngài mà thề với các vị ấy rằng: ‘Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời” (Xh 32, 11-13). Hơn hẳn thế, tình yêu tha nhân thể hiện rõ nét nơi Đức Kitô Giêsu. Chính Ngài đã cầu xin Thiên Chúa tha cho những người đã hành quyết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Vì vậy, lòng yêu thương tha nhân cao trọng nhất, đó chính là lòng vị tha và hy sinh chính bản thân của mình vì mọi người.

Nhìn chung lại, qua các bài đọc Kinh Thánh, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy cảm nghiệm tình yêu thương của Ngài. Với tất cả niềm tin, hy vọng và tình yêu, trước hết, chúng ta hãy sống yêu thương Thiên Chúa trên hết mọi sự; thứ đến, chúng ta hãy thương yêu chính bản thân mình; và sau cùng, chúng ta hãy yêu thương tha nhân như chính mình.

Giuse Chu Minh Hoàng