Vào ngày 28 tháng 12 năm 2022 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày sinh nhật trên trời của Thánh Phanxicô de Sales, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một Tông thư để tôn vinh vị thánh đáng kính này. Tông thư về Thánh Phanxicô de Sales có tựa đề Totum Amoris Est – Tất cả thuộc về tình yêu. Tiêu đề của bức Tông thư này đã được cảm hứng từ một tác phẩm rất nổi tiếng của Thánh Phanxicô de Sales. Đó là cuốn sách nói về đời sống thiêng liêng Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức, mà như chú thích đầu tiên của bức Tông thư đã đề cập đến.
Có lẽ một cuốn sách khác nhỏ hơn, cũng đáng chú ý khi cùng đọc bức Tông thư này, đó là cuốn Nghệ Thuật Yêu Mến Chúa (the art of loving God), khi thánh nhân nói về các nhân đức Kitô giáo. Đây là một tác phẩm được tổng hợp từ các bài huấn đức của Thánh Phanxicô de Sales dành cho các Nữ tu Dòng Thăm Viếng, với tiêu đề “Các Huấn Dụ Thiêng Liêng” từ bản tiếng Pháp bởi Đức viện phụ Gasque và Canon Mackey, O.S.B vào năm 1906. Và sau này đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.
Nếu nói về mối tương quan giữa Thánh Phanxicô de Sales và Thánh Vinh Sơn Phaolô, thì đã có tác giả trình bày về điều này rất rõ ràng.[1] Tuy nhiên trong bài này, chúng ta muốn đề cập thêm hơn nữa về tương quan giữa Thánh Phanxicô de Sales và linh đạo Vinh Sơn, với ảnh hưởng của trường phái Linh đạo Pháp thế kỷ XVII.[2]
Đây là một trường phái linh đạo nổi bật dưới thời của Thánh Phanxicô de Sales và Thánh Vinh Sơn. Những cái tên nổi bật, thường được hay nhắc đến khi đề cập đến các nhân vật trong thời kỳ này gồm có: Benoît de Canfield [3]; Hồng y Bérulle,[4] như thánh Vinh Sơn nói về ngài “là con người của sự tri thức và thánh thiện.”[5] Hồng y Bérulle cũng là người đã khích lệ Thánh Vinh Sơn thành lập Tu Hội Truyền Giáo[6]; cha Olier[7] là một người bạn rất thân thiết với Thánh Vinh Sơn, như cha Olier đã từng nói vào năm 1649, “đối với những công việc phi thường, và đối với những công việc bình thường, tất cả anh em của chúng tôi đã tập hợp lại và chúng tôi không thể không gặp cha Vinh Sơn đáng kính. Cha Olier đã không bắt đầu Chủng viện Vaugirard hoặc chấp nhận mục vụ của Saint-Sulpice (Xuân Bích), cho đến khi cha ấy hỏi ý kiến của vị thánh ‘cha Vinh Sơn là cha của chúng tôi,’ như ông thường nói với các chủng sinh trong chủng viện của mình”[8];Thánh Jean Eudes[9] và một vài vị khác như Jane Francis Freymont de Chantal, John Baptist de la Salle, Alain de Solminihac, chân phước Marie Nhập thể, là những người đã rất thân thiết với Thánh Vinh Sơn và có ảnh hưởng đến linh đạo của ngài.
Tuy nhiên với Thánh Phanxicô de Sales, mặc dù ngài cũng thường được coi thuộc về trường phái Linh đạo Pháp thời bấy giờ, vì sự phục vụ, cũng như những giao lưu và huấn giáo của ngài liên quan cách sâu đậm đến các vị chúng ta vừa đề cập. Nhưng theo tác giả Andrew Spelman, Thánh Phanxicô de Sales không được xếp vào trường phái Linh đạo Pháp vì hai lý do: thứ nhất, vì ngài là người vùng Savoy, mà lúc bấy giờ vùng này không thuộc về lãnh thổ nước Pháp, tuy nhiên ngài đã có phần lớn thời gian đi lại giữa Pháp và Ý. Thứ hai, Bremond đã xếp ngài vào nhóm “chủ nghĩa nhân văn mộ đạo”.[10] Như Đức giáo Hoàng Phanxicô đã trích dẫn lại nhận xét của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI về Thánh Phanxicô de Sales: “sống giữa hai thế kỷ, XVI và XVII, ngài tập hợp nơi mình những giáo huấn và thành tựu văn hóa tốt nhất của thế kỷ vừa kết thúc, dung hòa di sản của chủ nghĩa nhân văn với xu hướng nhắm tới đặc tính Tuyệt đối, vốn điển hình của các trào lưu thần bí”.[11]
Nhưng dù sao đi nữa, nói chung, dù ngài thuộc hay không thuộc trường phái Linh đạo Pháp, thì mối tương quan giữa ngài và Thánh Vinh Sơn là rất gần gũi và sự ảnh hưởng của đường lối thiêng liêng của ngài lên thánh Vinh Sơn là rất lớn. Sự ảnh hưởng này có hai lý do:
Thánh Phanxicô de Sales sinh 1567 và mất 1622, ngài làm Giám mục Geneva năm 1602. Thánh Vinh Sơn Phaolô sinh 1581 và mất 1660. Như vậy thánh Vinh Sơn đã gặp thánh Phanxicô de Sales trong những năm cuối đời của thánh nhân, khi còn ở Paris.
Trước tiên hết là sự cộng tác của Thánh Vinh Sơn với Thánh Phanxicô de Sales trong việc chăm sóc đời sống thiêng liêng cho các Nữ tu Dòng Thăm Viếng, một hội dòng được thánh Phanxicô de Sales thành lập năm 1610 tại Annecy, vùng Savoy. Tại đây, ngài đã quy tụ các góa phụ trẻ và các thiếu nữ, người mà muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, bằng cách rút lui khỏi đời sống thế tục vào đời sống cô tịch trong tu viện, nhưng họ đã không chịu đựng nổi đời sống tu trì khắc nghiệt của những người phụ nữ nổi bật về đời sống này, như các Nữ tu Phan Sinh Clara khó nghèo hay các Nữ tu Cát Minh.[12]
Như vậy, Dòng Thăm Viếng là một trong những đứa con tinh thần nổi bật của Thánh Phanxicô de Sales và vì thế, hầu như ngài đã dành mọi nỗ lực để chăm sóc cộng đoàn bé nhỏ mới thành lập này. Cộng đoàn này chính là một trong những “nhân duyên” mà Thánh Vinh Sơn Phaolô có cơ hội gặp gỡ và làm việc với Thánh Phanxicô de Sales. Năm 1618 và năm 1619, thánh Vinh Sơn lúc bấy giờ là 38 tuổi đời, và mới chỉ là một linh mục còn rất non trẻ. Và ngài mới chỉ ban đầu mon men với các công việc tông đồ cách âm thầm và chẳng ai biết ngài là ai cả. Lúc này ngài cũng đang còn là gia sư cho những người con của gia đình Gondi giàu có và cũng là tuyên úy cho các nô lệ chiến thuyền của Pháp. Trong khi ấy, Thánh Phanxicô de Sales đang được nhiều người biết đến với tài giảng thuyết của mình tại Saint Andre Des Art, Thánh Vinh Sơn đã tìm đến để học hỏi nơi thánh nhân. Vì trong mắt của thánh Vinh Sơn, thì Thánh Phanxicô đã được coi là “ông thánh sống” hay “vị thiên thần sống”, vì nổi bật trong các nhân đức của ngài.[13]
Thánh Phanxicô de Sales ở Paris từ 1578 đến 1588 tại Sorbonne. Trong lần lưu trú thứ hai với tư cách là giám mục vào năm 1602, ngài đã thuyết giảng nhiều bài giảng và gặp gỡ nhóm của Bà Acarie (những người sáng lập các Nữ tu Dòng Cát Minh đi chân đất ở Pháp), có lẽ bao gồm cả Hồng y trẻ Berulle. Lần lưu trú thứ ba của ngài, từ mùa thu năm 1618 đến cuối mùa hè năm 1619, đã đưa ngài đến với Thánh Vinh Sơn Phaolô và Hồng y Berulle.
Cả hai đã trở thành bạn thân thiết của nhau vào cuối năm 1618, với những cuộc thảo luận sâu sắc về đời sống thiêng liêng. Chúng ta không thấy bất cứ điều gì được ghi lại về những cuộc nói chuyện này, những qua lịch sử chúng ta có thể nhận ra, Thánh Phanxicô de Sales cũng tỏ ra rất nhiệt thành và tác thành với những công việc tông đồ của thánh Vinh Sơn Phaolô đang làm lúc bấy giờ. Chẳng hạn như việc tổ chức các hội bác ái để phục vụ người nghèo và người bệnh, việc tập hợp các cha trong Tu Hội Truyền Giáo để đi làm đại phúc, hay những buổi “Hội thảo ngày thứ Ba”, là những điều thánh Phanxicô de Sales đã từng ước muốn thực hiện trong giáo phận của ngài.
Ngược lại, thánh Vinh Sơn Phaolô cũng đã nhiều lần tìm đến với Thánh Phanxicô khi gặp những nghi ngờ hay khủng hoảng trong đời sống của mình và đã được trợ giúp về mặt thiêng liêng. Có thể nói rằng, hai vị thánh có một sự đồng điệu trong tâm hồn. Điều minh chứng rõ ràng nhất cho điều này, là khi thánh Phanxicô de Sales phải lìa bỏ Pháp để về giáo phận cũ của mình ở Geneva, ngài đã tìm kiếm một “linh mục có thể tư vấn, giải tội, và linh hướng cho các Nữ tu Dòng Thăm Viếng” và ngài đã hỏi Thánh Vinh Sơn Phaolô về sự giúp đỡ trong vai trò này thay ngài. Thánh Vinh Sơn đã vui vẻ nhận lời và đảm trách trách nhiệm này cho đến khi ngài qua đời, ước chừng hơn 40 năm.[14]
Thứ hai, vì có sự thân thiết và “tâm hồn hòa điệu” với thánh Phanxicô de Sales như thế, nên thánh Vinh Sơn Phaolô sau này đã là một trong những nhân chứng cho án phong chân phước của Thánh Phanxicô de Sales vào năm 1628, tại nhà nguyện thánh Monica của Tu viện Thăm Viếng tại Paris[15]. Trong việc làm chứng cho án phong chân phước này, Thánh Vinh Sơn đã đề cập đến rất nhiều các nhân đức nổi bật của Thánh Phanxicô de Sales trước mặt thỉnh cáo viên án phong chân phước là cha Juste Guerin (thuộc hội dòng Clerks Regular of Saint Paul).
Trong khi nói về Thánh Phanxicô de Sales, Thánh Vinh Sơn đã nói “liên quan đến đức tin của Tôi tớ Chúa Phanxicô de Sales đã nói ở trên, nhiều lần tôi đã có vinh dự được tận hưởng tình bạn thân thiết của Phanxicô de Sales, giám mục của Geneva, đó là những ký ức hạnh phúc.”[16] Cũng trong dịp làm chứng này, Thánh Vinh Sơn Phaolô cũng đã mạnh dạn chia sẻ cảm nhận cá nhân của mình về các nhân đức của Thánh Phanxicô de Sales khi đề cập đến tác phẩm nổi bật về đường thiêng liêng và Thánh Vinh Sơn đã đề nghị các con cái mình học hỏi từ tác phẩm này “thực tế là, được thúc đẩy bởi tình yêu thiêng liêng tuôn trào dồi dào, ông đã xuất bản một tác phẩm bất hủ và rõ ràng là rất cao quý, có tựa đề là Khảo luận về tình yêu của Thiên Chúa, một bằng chứng trung thực về tình yêu mãnh liệt nhất của ông dành cho Thiên Chúa và thực sự là một cuốn sách đáng ngưỡng mộ, khiến tất cả những ai đọc nó đều ca ngợi sự dịu dàng của tác giả. Tôi đã rất cẩn thận để đảm bảo rằng, cuốn sách này đã được đọc toàn bộ trong nhà của chúng tôi. Tác phẩm như một phương thuốc phổ quát cho tất cả những ai đang chán nản, một sự thúc giục cho những người chậm chạp, một động cơ để yêu thương, và một nấc thang cho những người phấn đấu cho sự hoàn hảo. Liệu nó có thể được nghiên cứu bởi tất cả, vì nó thật xứng đáng như vậy! Sẽ không ai có thể thoát khỏi sự hứng thú của tác phẩm.”[17]
Những lời lẽ xác tín mạnh mẽ của Thánh Vinh Sơn về thánh nhân, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét về thánh Phanxicô trong Tông thư Totum Amoris Est – Tất cả thuộc về tình yêu “Ngài chỉ chuyển hóa thành giáo huấn những gì ngài đã sống và đã giải mã với sự nhạy bén, được Thánh Thần soi sáng trong hoạt động mục vụ có tính canh tân và sáng tạo của mình. Chúng ta tìm thấy bản tóm tắt về cách tiến hành của ngài trong Lời nói đầu của Khảo luận về Tình yêu Thiên Chúa: Trong Giáo hội Thánh thiện, mọi sự đều thuộc về tình yêu, được thực hiện vì tình yêu, và xuất phát từ tình yêu”.[18] Thánh Phanxico de Sales có được điều này, vì “rằng ngài không ngừng rao giảng Lời Chúa, nhờ đó biến đổi các linh hồn một cách kỳ diệu khi giải tội, cử hành các bí tích khác, và dạy giáo lý cho trẻ em ở khắp mọi nơi, những nơi được đề cập ở trên, và ngài đã làm điều này mà không tiếc bản thân với nhiều bất tiện.”[19]
Về tác phẩm khác của Thánh Phanxicô de Sales, Thánh Vinh Sơn cũng có những nhận xét rất sâu sắc “do đó, không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều linh hồn từ một số tỉnh thành khác nhau, bị thu hút bởi sự ngọt ngào thiêng liêng này, đã giao phó bản thân cho sự hướng dẫn của ngài. Nhưng, thấy rằng ngài, một người yêu mến nhiệt thành sự cứu rỗi các linh hồn này, đã không thể trợ giúp cho rất nhiều giáo dân và tu sĩ sống rải rác ở nhiều nơi xa xôi khác nhau, được thúc đẩy bởi lời khuyên thiêng liêng từ ngài, nên cho dù bận rộn với “trăm công nghìn việc”, ngài đã biên soạn cuốn Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức để hỗ trợ họ và tất cả những người mong muốn sống đời sống thiêng liêng. Khi nó đã được xuất bản, mọi người đều thấy nó rất hay, hữu ích và cần thiết. Với lòng đầy ngưỡng mộ, họ đã công khai chỉ ra Tôi tớ của Chúa khi đi đến bất cứ đâu, kể cả ở những vùng xa xôi, đều kêu lên: Đây là cha Phanxicô vĩ đại đến từ Geneva, người đã viết cuốn sách Dẫn Vào Đời Sống Đạo Đức!”[20]
Như vậy không nghi ngờ gì, chúng ta có thể nhận ra Thánh Vinh Sơn đã “nghiền ngẫm” hai tác phẩm nổi bật này của Thánh Phanxicô de Sales và ít ra, ngài đã hấp thụ những di sản thiêng liêng từ vị thánh đáng kính mà chúng ta đang mừng kỷ niệm 400 năm sinh nhật trên trời của ngài. Những tư tưởng này chắc hẳn đã ăn sâu trong đời sống thiêng liêng của thánh Vinh Sơn và linh đạo của ngài. Vì như Đức Giáo Hoàng Pio XI đã nhận xét về thánh nhân “không chỉ là sự thánh thiện siêu phàm trong đời sống mà thánh nhân đã thủ đắc, nhưng còn về sự khôn ngoan, mà trong đó ngài đã dẫn dắt các linh hồn trên con đường của sự hoàn thiện.”[21]
Cuộc đời và linh đạo của hai vị thánh cho chúng ta một sự xúc động sâu sắc trong đời sống thiêng liêng của mình. Cả hai đều sống cách xa thời đại chúng ta cả 4 thế kỳ, nhưng những gì các ngài đã sống và đã truyền đạt, thì vẫn đang rất mới mẻ trong thời đại của chúng ta. Nhất là đối với những người sống đời thánh hiến và tìm kiếm một linh đạo theo gương mẫu của các ngài. Và đó là một điều cần thiết như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong Tông thư Totum Amoris Est: “sống giữa thành phố thế tục mà vẫn nuôi dưỡng đời sống nội tâm, kết hợp ước muốn nên hoàn thiện với từng trạng thái của cuộc sống, khám phá sự bình an nội tâm, không tách mình ra khỏi thế giới mà học cách sống trong đó, đánh giá cao nó, đồng thời duy trì một sự tách biệt thích hợp khỏi tính thế tục. Đó là mục tiêu của thánh Phanxicô de Sales, và vẫn luôn là bài học quý giá cho mọi người trong thời đại chúng ta.”
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM
[1] Xin xem thêm tại https://vinhson.net/tinh-bang-huu-giua-thanh-phanxico-de-sales-va-thanh-vinh-son-phaolo.html
[2] Trường phái Linh đạo của Pháp có ảnh hưởng tôn giáo chính trong Giáo hội Công giáo từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20, không chỉ ở Pháp mà còn khắp giáo hội ở hầu hết thế giới. Nó tập trung đời sống đạo đức của tín hữu Công giáo vào kinh nghiệm cá nhân về con người Chúa Giê-su và tìm kiếm sự thánh thiện cá nhân.
[3] Benoît de Canfield có ảnh hưởng lớn đến thánh Vinh Sơn qua cuốn sách “Quy Luật Trọn Lành”, hay nói nôm na là cuốn “Đường Trọn Lành” xuất bản năm 1609. Trong nỗ lực của Benoît de Canfield để hoàn toàn phục tùng ý muốn của Chúa, “Quy Luật Trọn Lành” đã hướng dẫn thánh Vinh Sơn và ngài cũng học được rằng nếu ý muốn của Chúa được bày tỏ bằng những thúc đẩy bên trong của ân sủng, nó càng được tỏ lộ rõ ràng hơn qua ý muốn của các Bề trên và các dấu chỉ khác. Vinh Sơn luôn chờ đợi một dấu hiệu từ Thiên Chúa để bắt đầu xây dựng cộng đoàn của mình. Tại một kỳ tĩnh tâm ở Soissons, thánh Vinh Sơn đã đạt đến trạng thái “dửng dưng” hoàn toàn về mặt thiêng liêng.
[4] Pierre de Bérulle (1575 –1629), là một linh mục Công giáo, hồng y và chính khách người Pháp, một trong những nhà thần bí quan trọng nhất của thế kỷ 17 ở Pháp. Ông là người sáng lập trường linh đạo Pháp, người có thể kể đến trong số bạn bè và đệ tử của ông là thánh Vinh Sơn và Thánh Phanxicô de Sales.
[5] CCD XI, 116. CCD được viết tắt theo bộ sách: Saint Vincent de Paul. Correspondence, Conferences, Documents, biên tập: Pierre Coste, 14 tập, bản tiếng Anh (New York: New city press). Ví dụ: CCD:IX, 192 – số La mã chỉ số tập và số kế tiếp chỉ số trang.
[6] CCD II, 460.
[7] Jean Jacques Olier (1608 – 1657) là một linh mục Công giáo người Pháp và là người sáng lập Tu hội Xuân Bích. Một môn đệ của thánh Vinh Sơn và của Charles de Condren. Jean-Jacques Olier đã tham gia các “đại phúc” do họ tổ chức ở Pháp. Năm 1645, Olier thành lập Hiệp hội St. Sulpice, nơi thành lập các chủng viện trên khắp nước Pháp, nơi được biết đến với việc giảng dạy đạo đức và học thuật. Tại giáo xứ của mình, nơi ông dự định phục vụ như một hình mẫu cho các giáo sĩ giáo xứ, cũng như chủng viện của mình, ông hy vọng sẽ mang lại cho nước Pháp một hàng ngũ linh mục triều xứng đáng, chỉ nhờ đó, ông cảm thấy, sự hồi sinh của tôn giáo có thể đến.
[8] CCD I, 208 – 209.
[9] John Eudes (1601 –1680) là người sáng lập cả Dòng Đức Mẹ Bác Ái năm 1641 và Dòng Chúa Giêsu và Mẹ Maria còn được gọi là The Eudists năm 1643. Ông cũng là một thành viên chính thức của dòng Oratoa của Chúa Giêsu cho đến năm 1643 và là tác giả của phần Thánh lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ của lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria. Ngài là một người sùng kính Thánh Tâm cách đặc biệt và cống hiến hết mình cho việc quảng bá và cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài đã giảng đại phúc trên khắp nước Pháp, đồng thời được công nhận là một nhà truyền giáo và cha giải tội nổi tiếng.
[10] Andrew Spelman, St Vincent and the French School, lưu hành nội bộ. Theo encyclopedia: ngoài ra, khái niệm “chủ nghĩa nhân văn mộ đạo”, mặc dù đã được sử dụng trước đó, nhưng đã được H. Brémond đánh giá cao, người đã sử dụng nó làm tiêu đề cho tập đầu tiên của tác phẩm Histoire littéraire du sentiment religieux en France (11 v. Paris 1915–33). Phong trào là một nỗ lực có ý thức nhằm kết hợp thái độ thuận lợi của chủ nghĩa nhân văn, đối với “sự tốt lành” của bản chất con người với giáo huấn của Kitô giáo về tội tổ tông và tiền định. Vấn đề là phải tránh cả quan điểm khắt khe về khả năng sai lầm của con người, vốn có trong chủ nghĩa Augustinian (và hơn thế nữa trong chủ nghĩa Calvin) và việc phong thánh cho tính hoàn hảo của con người được chủ nghĩa Pelagio tán thành và được một số nhà nhân văn có đầu óc thế tục hơn tuyên bố.
Người đề xướng thần học vĩ đại của phong trào là L. Lessius, giáo sư tại Đại học Louvain, người phản đối các học thuyết của M. Baius; Giáo huấn của Baius đã bị Đức Giáo hoàng Piô V lên án vào năm 1567 [H. Denzinger, Enchiridion symbolorum, ed. A. Schönmetzer (32d ed. Freiburg 1963) 1901–80] và bởi Đức Grêgôriô XIII vào năm 1579. Các cơ sở thần học của Lessius đã được Thánh Phanxicô de Sales đặc biệt hoan nghênh và đưa vào sử dụng thực tế trong tác phẩm Dẫn Nhập Vào Đời Sống Đạo Đức và Tình Yêu Thiên Chúa. Nhờ Thánh Phanxicô de Sales, có lẽ hơn bất kỳ ai khác, chủ nghĩa nhân văn đã đáp ứng nhu cầu của đời sống nội tâm và mở ra cho tất cả các nguyên tắc và linh đạo của chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo (Brémond, op. cit. 1:17). Thánh Jane Frances de chantal, người cộng tác của Thánh Phanxicô de Sales, là người có công trong việc truyền bá chủ nghĩa nhân văn mộ đạo thông qua dòng Thăm Viếng của mình. Những người khác đã phổ biến phong trào là É. Binet và Jean Pierre Camus (1584–1652), Giám mục của Belley.
Tinh thần của chủ nghĩa nhân văn mộ đạo giờ đây là một phần của chủ nghĩa nhân văn đích thực được đại diện bởi các nhà tư tưởng như J. Maritain, G. Marcel, Christopher Dawson, M. D’Arcy, John Courtney Murray, và nhiều người khác, cả Công giáo và không Công giáo.
[11] Tông Thư “Totum Amoris Est” Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Thánh Phanxicô Salê, bản dịch Nt. Anna Ngọc Diệp, OP tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-totum-amoris-est-tat-ca-thuoc-ve-tinh-yeu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-ve-thanh-phanxico-sale-49070 (cập nhật ngày 3 tháng 1/2023).
[12] Saint Francis De Sales, “Phần Giới Thiệu” trong The Art Of Loving God, New Hampshire: Sophia institute, 1998, ix.
[13] Adre Ravier sj, Francis De Sales, Sage And Saint, San Francisco: Ignatius, 1998, 228, (nguyên bản tiếng Pháp Un Sage Et Un Saint: François De Sales [Paris: Nouvelle Cité, 1985]).
[14] Ibid 228.
[15] CCD XIIIa, 80.
[16] Ibid 81.
[17] Ibid 82.
[18] Tông Thư “Totum Amoris Est” Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Thánh Phanxicô Salê, bản dịch Nt. Anna Ngọc Diệp, OP tại https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-totum-amoris-est-tat-ca-thuoc-ve-tinh-yeu-cua-duc-thanh-cha-phanxico-ve-thanh-phanxico-sale-49070 (cập nhật ngày 3 tháng 1/2023).
[19] CCD XIIIa, 85.
[20] CCD XIIIa, 93.
[21] Saint Francis de Sales, “Phần Phụ Lục” trong The Art Of Loving God, New Hampshire: Sophia Institute, 1998, 147.