Theo Chúa bước vào con đường khổ nạn – Lời Chúa – Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A

0
726

(Bài Ðọc I: Is 50, 4-7; Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11; Bài Thương Khó: Mt 26, 14 – 27, 66)

Trong ngày 27 tháng 03 vừa qua, cả thế giới háo hức theo dõi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban phép lành Urbi et Orbi ngoại thường cho toàn thế giới. Một trong những hình ảnh đẹp, mà ngày hôm sau người ta đã đăng đầy trên các trang mạng xã hội, đó là hình ảnh Đức Giáo Hoàng cầu nguyện trước Tượng Chịu Nạn Phép Lạ (Miraculous crucifix) được đưa đến quảng trường thánh Phêrô từ nhà thờ San Marcello, tại Corso. Và hình ảnh ấy vẫn còn rất ấn tượng nơi vô số các Kitô hữu trên toàn thế giới. 

Lễ Lá khai mạc Tuần Thánh và Tam Nhật Thánh. Toàn thể Giáo Hội kỷ niệm trọng thể cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu trong công trình cứu chuộc nhân loại. Hình ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh sẽ là trung tâm điểm trong tuần cử hành này. Nhưng hôm nay, hãy nhìn lại việc Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để bắt đầu cuộc khổ nạn của Ngài.

Cả ba bài đọc Lời Chúa đều họa lên hình ảnh của một Đức Kitô, đấng cứu độ nhân loại với ba nhân đức nổi bật.

Thứ nhất: hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa. Đó không phải là một hình ảnh uy nghi oai vệ của một vị tướng, nhưng đó là hình ảnh của một tù nhân, bị quân thù nhạo báng và xỉ vả. Hình ảnh này ngôn sứ Isaia đã phác họa trong bài đọc I, để cho thấy, người tôi trung sẵn sàng đón nhận mọi cách đối xử bạc đãi của người đời, vì người tôi trung này biết về điều mình đang phải chịu. Đó chính là một sự tự nguyện hiến thân hoàn toàn cho ý định của Thiên Chúa, điều Thánh Vịnh đã nói “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”(Tv 39, 8).

Nguồn sức mạnh của người tôi trung chính là Thiên Chúa “vì Chúa nâng đỡ tôi” (Is 50,7), nên người tôi trung đã không nao núng trước những thử thách thể lý “tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi” (Is 50, 6).

Điều này là một niềm an ủi lớn lao cho toàn thể nhân loại, cách riêng cho những người Kitô hữu đang phải đối diện với những cái chết thể lý đang diễn ra. Đồng thời, điều này cũng nhắc nhớ tôi về sự dễ tổn thương của thân phận mỏng manh của con người để biết nương tựa vào Chúa. Nếu với người không có niềm tin vào Thiên Chúa, có lẽ cuộc khủng hoảng hiện nay vì virus sẽ làm cho người ta rơi vào thất vọng và hoảng loạn vì hoàn toàn bất lực. Nhưng với người có niềm tin vào Thiên Chúa, thì họ luôn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và họ can đảm đón nhận những gì đang xảy ra với niềm phó thác vì Chúa chính là nguồn sức mạnh của họ. Vậy tôi đã có được tâm tình ấy chưa?

Thứ hai: hình ảnh của một con người khiêm tốn. Trong thánh thi Philipphê, thánh Phaolô đã cho thấy hình ảnh của một Đức Kitô “tự hủy”- “nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (Pl 2,7). Hình ảnh này cho thấy một Đức Giêsu khiêm tốn đến sâu thẳm, quên mình đi, trở nên một như con người, vì yêu thương con người và để cứu độ con người. Nhưng chính nhờ sự khiêm tốn ấy mà Đức Giêsu đã được Chúa Cha tôn vinh “chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 9).

Qua những gì đang diễn ra trên thế giới, dường như Chúa cũng muốn dạy con người về sự khiêm nhường. Con người muốn làm bá chủ vũ trụ, thậm chí đã rất tự hào với các công nghệ hiện đại của mình và có thể làm cho sự sống kéo dài bao nhiêu có thể. Nhiều quốc gia trước đây tự hào về an sinh xã hội tiên tiến, về sự giàu có, thế nhưng, giờ đây trở nên bất lực trước đại dịch và chẳng còn ai để cầu cứu, kể cả những quốc gia hùng mạnh, vĩ đại nhất quả đất giờ đây cũng chỉ biết kêu cầu Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà thôi. Khiêm tốn để biết giới hạn của bản thân và sự lệ thuộc vào Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã nêu gương cho con người về điều này. Vì thế đây là điều đáng để suy tư cho nhân loại để biết phải thay đổi thái độ của mình trước Thiên Chúa trong tương lai.

Thứ ba, hình ảnh một Đức Giêsu bình an, khiêm tốn và hiền lành đón nhận cái chết. Trong bài Tin Mừng trước phần rước lá hôm nay, chúng ta thấy: dân chúng rải lá và áo khoác để chào đón Đức Giêsu, người ngồi trên lưng một con lừa con. Một hình ảnh đầy sự bình an, hiền lành và khiêm tốn khi Đức Giêsu tiến vào Thành Thánh để bước vào cuộc tử nạn. Đức Giêsu không chốn chạy cái chết, không chốn chạy khỏi cuộc tử nạn, Ngài biết về những gì sắp xảy đến và đã loan báo điều ấy cho các môn đệ của mình. Vậy thì đâu là hình ảnh của một vương quốc thái bình và vinh quang của một vị vua, khi mà hôm nay dân chúng tung hô Đức Giêsu là “con vua Đa-vít”? Thưa điều này sẽ đến sau khi cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Lúc ấy, Vương Quốc đầy vinh quang và thái bình của Đấng Mêsia sẽ được tỏ hiện.

Vì thế, tất cả mọi người Kitô hữu cũng được mời gọi vào vương quốc thái bình và vinh quang ấy. Và để đạt được vinh quang ấy cũng đòi hỏi mọi Kitô hữu cũng phải bước vào cuộc khổ nạn với Đức Giêsu. 

Điều này là một sự khích lệ về đức tin cho tôi và toàn thể dân Chúa trong thời điểm này. Thời điểm của sự khủng hoảng bởi virus gây ra. Đức Giêsu đã hoàn toàn phó thác đời mình cho Chúa Cha, vâng lời Thánh Ý Chúa Cha cho đến chết. Lúc này đây mỗi người cũng được mời gọi để tín thác cuộc sống của tôi cho Chúa, vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi nghịch cảnh và biến cố mà không thất vọng nản lòng. Vì mọi cá nhân đều được Thiên Chúa kêu gọi để đóng góp vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài. Vì vậy hãy để cho Thiên Chúa thực hiện những gì theo như ý Ngài muốn trong cuộc sống của chúng ta.

Ước gì, như hình ảnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện trước tượng chịu nạn tại quảng trường thánh Phêrô, trong Tuần Thánh này, tôi cũng được mời gọi để đi vào cuộc khổ nạn với Chúa trong tâm tình sốt sắng và cầu nguyện lâu giờ hơn trong một bầu khí rất đặc biệt là không có các thánh lễ và các cử hành công cộng của toàn thể Hội Thánh địa phương.

Để bước vào cuộc tử nạn với Đức Giêsu, chúng ta hãy nhớ lại những lời nhắn nhủ đầy xác tín và yêu thương của Đức giáo hoàng Phanxicô về thập giá. Hy vọng những lời này sẽ giúp mọi Kitô hữu khám phá ra hình ảnh đích thực của Đức Giêsu Cứu Thế nơi bản thân mỗi người.

“Đón nhận thập giá Chúa có nghĩa là tìm lại can đảm để đón nhận tất cả các gian truân của thời điểm hiện nay, tạm bỏ sang một bên ước muốn quyền lực và của cải, để nhường chỗ cho tinh thần sáng tạo mà chỉ có Thánh Linh mới có khả năng khơi dậy. Qua thập giá Chúa, chúng ta được cứu thoát để đón nhận hy vọng và để cho niềm hy vọng ấy củng cố và nâng đỡ tất cả các biện pháp và những con đường có thể giúp chúng ta bảo vệ chính mình và những người khác. Đón nhận Chúa để đón nhận hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin, là điều giải thoát chúng ta khỏi sợ hãi và mang đến hy vọng cho chúng ta” (Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong đêm ban phép lành Urbi et Orbi ngoại thường vừa qua).

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM.