1. Các bài đọc
Bài đọc 1: 1 Samuel 3,3b–10,19
Bài trích sách Samuel quyển thứ nhất: Thiên Chúa kêu gọi Samuel.
Đáp ca: Tv 40,2, 4, 7–8, 8–9, 10
Thánh vịnh 40: cầu xin cho được vâng theo Ý Chúa.
Bài đọc 2: 1 Cr 6,13c–15a,17–20
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô nhắc nhở giáo đoàn Côrintô rằng, thân xác của họ là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Tin Mừng: Ga 1,35–42
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan: ông Gioan Tẩy giả nhận biết Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa và Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên.
2. Chia sẻ
Năm nay là năm thứ hai, Giáo hội Việt Nam hướng về người trẻ trong mục vụ cách đặc biệt. Với chủ đề của năm nay: đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình – hướng đến sự phát triển toàn diện.
Đây là chủ đề thật là ý nghĩa khi suy tư trên các bài đọc Lời Chúa hôm nay, nói về ơn gọi và sự trưởng thành thể lý và thiêng liêng nơi những người được kêu gọi là môn đệ của Chúa, cách riêng là những người trẻ.
Tôi nhận thấy có ba điều nổi bật trong các bài đọc hôm nay, thích hợp với bối cảnh mục vụ của chúng ta đang diễn ra:
Gia đình là nôi nuôi dưỡng ơn gọi
Cậu Samuel trong bài đọc thứ nhất – sách Samuel, đã được cha mẹ gởi gắm cho ông Ê-li trong đền thờ từ nhỏ và được nuôi dưỡng trong môi trường đạo đức của đền thờ. Vì thế, cậu đã có một đời sống được thụ huấn Lời Chúa và những lời dạy dỗ của thầy Ê-li hằng ngày.
Tương tự như thế, những người môn đệ trong bài Tin Mừng cũng đã từng ở với ông Gioan Tẩy giả, được nghe ông giảng và loan báo về Đấng Cứu Thế. Những người môn đệ này cũng được sống trong bầu không khí đạo đức về niềm tin và sự mong chờ Đấng Mêsia.
Nhìn vào đời sống các bạn trẻ trong đời sống gia đình, đây cũng là một yếu tố quan trọng cho các bậc phụ huynh. Gia đình phải và cần trở nên ngôi trường đạo đức cho tất cả những người con ngay từ nhỏ. Bầu khí tôn giáo, đạo đức trong đời sống gia đình cần được thiết lập và duy trì trong mỗi gia đình.
Ngày nay có quá nhiều thứ dễ làm “loãng” đi bầu khí đạo đức trong gia đình như tivi, điện thoại, công việc, học hành v.v… Rất khó để tất cả mọi người ở bên nhau lâu giờ, và nhất là trước bàn thờ Chúa trong gia đình vào buổi tối.
Vì thế, trong mỗi gia đình, cha mẹ cũng như ông bà nội ngoại, cần dành giờ cho gia đình trước bàn thờ Chúa, hướng dẫn các con, các cháu làm các việc đạo đức, hay cùng nhau tham dự lễ Chúa Nhật hay ngày thường. Có như thế, tâm hồn người trẻ sẽ được Chúa huấn luyện và sẽ làm người trẻ có được một đời thiêng liêng trưởng thành và vững vàng trong đức tin. Đồng thời, khi người trẻ được sống trong bầu khí đạo đức gia đình như thế, ơn gọi tu trì cũng sẽ dễ dàng nảy nở nơi tâm hồn người trẻ, như câu chuyện của cậu Samuel trong bài đọc một.
Giúp người trẻ tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống
Cả thầy Ê-li và ông Gioan Tẩy giả hôm nay đã trở thành những vị đồng hành thiêng liêng với các môn đệ của mình, để tìm ra ý Chúa và tìm gặp Chúa. Samuel gặp hoang mang và bối rối trước tiếng gọi trong đêm và Samuel đã không biết phải làm gì. Thế nhưng, thầy Êli đã giúp cậu tìm ra ý Chúa và tìm gặp Chúa “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa : ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe’”(1 Sm 3,9).
Kinh nghiệm thiêng liêng của thầy Ê-li đã khai sáng cho Samuel để cậu nhận ra ý Chúa. Còn ông Gioan Tẩy giả cũng đã giúp những người môn đệ nhận ra Chúa Giêsu, khi chính ông đã nói “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1, 36).
Cả hai vị thầy đã trở thành những người đồng hành thiêng liêng và giúp môn đệ mình tìm ra ơn gọi của họ, hay nói khác đi tìm ra được ý Chúa trong cuộc sống.
Trong đời sống gia đình, người trẻ cũng cần được sự giúp đỡ của ông bà, cha mẹ, thầy cô, cha xứ, tu sĩ nam nữ hay người khôn ngoan để nhận ra ý Chúa trong đời sống. Những người đồng hành thiêng liêng có thể khơi lên một tình yêu ơn gọi nơi tâm hồn các em. Họ giúp các em truy vấn về tiếng gọi của Chúa Giêsu trong tâm hồn của các em, dù đó là ơn gọi tu trì hay ơn gọi đời sống gia đình, cũng như định hướng trong nghề nghiệp. Với sự đồng hành thiêng thiêng gần gũi, các người đồng hành sẽ giúp các em tìm gặp Chúa Giêsu và để gợi lên được câu hỏi nơi Chúa dành cho các em là “Con tìm kiếm điều gì?”
Nhà triết học Hoa Kỳ Henry David Thoreau đã tuyên bố khá dứt khoát, “phần lớn đàn ông sống trong sự tuyệt vọng thinh lặng”, rõ ràng chỉ ra rằng, ông tin rằng hầu hết mọi người hoặc không bao giờ tìm thấy mục đích sống của họ hoặc không đạt được nó.
Một linh mục Dòng Tên thánh thiện Pedro Arrupe đưa ra một đánh giá đầy hy vọng hơn khi khẳng định rằng bản chất của ơn gọi của con người là yêu Chúa. Ngài viết: “Những gì bạn yêu thích, những gì nắm bắt được trí tưởng tượng của bạn, sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Nó sẽ quyết định điều gì sẽ khiến bạn rời khỏi giường vào buổi sáng, sẽ bạn làm gì với buổi tối của mình, cách bạn dành thời gian cuối tuần, bạn đọc gì, điều bạn biết, điều gì khiến trái tim bạn tan nát, và điều gì khiến bạn ngạc nhiên với niềm vui và sự biết ơn. Hãy yêu, hãy ở lại tình yêu và nó sẽ quyết định tất cả.” Đấy là điểm mấu chốt để giúp người trẻ có một đời sống thiêng liêng và tương quan với Chúa như Samuel đã ở lại trong đền thờ và như hai môn đệ của ông Gioan đã “đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,39). Ở với Chúa là cách tốt nhất để tìm kiếm ý Chúa. Ước gì người đồng hành thiêng thiêng cũng biết giúp người trẻ hay con cái trong gia đình có những giây phút ở với Chúa.
Sự trưởng thành cả thể chất, lẫn tinh thần cách lành mạnh
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã khơi lên việc có một đời sống trưởng thành cả thể lý lẫn tinh thần của những người theo Chúa, cách đặc biệt là nơi người trẻ.
Đời sống thiêng liêng của Samuel và các môn đệ Gioan Tẩy giả đã được nuôi dưỡng từ những người thầy. Sự thăng tiến đó biểu hiện qua những khao khát cố gắng đi tìm những điều gì đó cao siêu hơn tốt đẹp hơn trong đời sống của họ.
Nơi bài đọc hai, thánh Phaolô nhắc nhở về tầm quan trọng của thân xác “hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?(1 Cr 6,19). Đấy là giá trị của thân xác và người ta dùng thân xác vào việc phụng sự Thiên Chúa. Cả thể xác lẫn tâm hồn của người con cái Chúa đều quý giá và đòi hỏi được giữ trong sạch và kính trọng.
Người trẻ trải qua những giai đoạn trưởng thành và có nhiều thay đổi nhất ở giai đoạn này cả về tâm lý và sinh lý. Vì thế, đôi khi có những khủng hoảng hoặc những định hướng sai lầm về đời sống giới tính và tính dục. Cho nên trong đời sống gia đình, cha mẹ thầy cô và những ai có trách nhiệm cần có sự giáo dục các em về tâm sinh lý và làm chủ các khuynh hướng tính dục theo hướng lành mạnh và thánh thiện để không coi thân xác như là một phương tiện để thỏa mãn, nhưng phải tôn trọng thân xác và chăm sóc nó mạnh khỏe và trong sạch.
Có những người trẻ dùng thân xác mình như một thứ tiêu khiển và hủy hoại thân xác hay thậm chí phạm tội bởi thân xác qua các hành vi và thói quen xấu. Người trẻ cần nhận biết về chiều kích thánh thiêng của thân xác và gìn giữ nó trong sạch và mạnh khỏe, vì thân xác là đền thờ của Thiên Chúa.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay rất hay để giúp chúng ta có một định hướng khi bước vào năm đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Hy vọng rằng tất cả những ai đồng hành thiêng liêng và cả người trẻ đều tìm được Chúa và ý Chúa để cùng thăng tiến và trưởng thành toàn diện trong đời sống của mình, nhất là được trưởng thành trong ân sủng của Chúa.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM