1. Các bài đọc Lời Chúa
Bài đọc I: Gr 20, 7-9
Trích sách Tiên tri Giêrêmia: Giêrêmia than vãn, nhưng không thể không cao rao danh Đức Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9
Thánh vịnh 62: Linh hồn chúng ta khao khát Chúa.
Bài đọc II: Rm 12, 1-2
Thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma: Thánh Phaolô khích lệ tín hữu Rôma hãy giữ lòng trung thành với Chúa.
Tin Mừng: Mt 16, 21-27
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu: Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Ngài và Phêrô đã ngăn cản Ngài bước vào cuộc khổ nạn.
2. Chia sẻ
Bài đọc Tin Mừng hôm nay là sự tiếp nối câu chuyện của bài Tin Mừng tuần trước. Đó là câu chuyện ông Phêrô tuyên xưng đức tin của mình và được Chúa đặt làm đá tảng xây dựng Giáo hội của Ngài.
Đoạn Tin Mừng này là đoạn kế tiếp nói về việc ông Phêrô phản ứng bằng cách ngăn cản Chúa Giêsu bước vào cuộc khổ nạn, khi ông nghe Ngài loan báo về hành trình lên Giêrusalem.
Tuyên xưng đức tin là một bước tiến của Phêrô, còn ngăn cản Chúa bước vào cuộc khổ nạn của Chúa là một bước lùi.
Chúa Giêsu đã trách mắng Phêrô khi ông cản trở Ngài bước vào cuộc khổ nạn, cũng là một lời nhắc nhở cho người Kitô hữu “vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người” (Mt 16,23).
Xem ra ngày nay có nhiều lối sống đức hình thức về đạo nghĩa, nhưng lại mang tinh thần thế gian. Đó có thể là ưa thích những thánh lễ hoành tráng, nhưng lại than phiền khi Chúa gởi đau khổ, thử thách; đi nhà thờ lãnh các bí tích thì toan tính thiệt hơn về thời gian, lợi tức; giữ đạo tốt khi Chúa cho sức khỏe và làm ăn thuận lợị, còn khi Chúa không ban cho những điều ấy nữa thì tỏ ra lạnh nhạt…
Tinh thần thế gian luôn cản trở người ta đi sâu hơn vào sự hiểu biết về Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi Người Kitô hữu cần phải loại bỏ điều đó. Vì theo Chúa cũng là bước theo con đường tử nạn của Ngài, nó luôn có những thách đố, thử thách và đòi hỏi người Kitô hữu phải đón nhận để xứng đáng là môn đệ của Chúa Kitô.
Trong Bài đọc hai, thánh Phaolô cũng đã kêu gọi giáo đoàn Rôma phải tránh tinh thần này trong đời sống đức tin của họ: “Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo” (Rm 12,2).
Vì thế, mỗi ngày người Kitô hữu luôn cần phải học cho biết Ý Chúa trong đời sống của mình. Mau mắn nhận ra điều ấy và cũng mau mắn thi hành. Ai tìm cách tránh né Ý Chúa thì cũng chẳng khác gì Phêrô đã cản trở Đức Giêsu thực hiện kế hoạch của Ngài.
Đoạn thứ hai của bài Tin Mừng là diễn văn về sự bỏ mình, vác thập giá mà theo Chúa.
“Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24) – trong đoạn này, Chúa Giêsu muốn nói với Phêrô rằng, ông đừng lầm tưởng sẽ nhận được ngay những vinh quang lớn lao vì đã tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Đừng xem lời tuyên xưng đó là điều kiện đủ cho ơn cứu rỗi và tưởng rằng những ngày tháng còn lại của cuộc đời sẽ được vui thú, an nhàn. Vì, mặc dù nhờ quyền năng, với tư cách là Con Thiên Chúa, Ngài có thể giải thoát ông khỏi mọi khó khăn và nguy hiểm, nhưng vì lợi ích của ông, Ngài sẽ không làm điều này. Ngài muốn ông tự làm cho mình xứng đáng với những vinh quang và phần thưởng lớn lao hơn.
Bài đọc một cũng đã gợi lên tinh thần này khi tiên tri Giêrêmia tìm cách trốn chạy khỏi việc rao giảng Lời Chúa, vì ông cảm thấy vì sứ vụ ấy mà ông phải chịu đau khổ, nhục nhã và cô đơn. Thế nhưng, khi ông làm như thế thì tâm hồn cảm thấy “lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa (Is 20,9).
Như vậy, theo Chúa, thi hành sứ mệnh Chúa trao, có đau khổ có nhục nhã, có phỉ báng đấy, nhưng nó là một niềm vinh dự vì được thi hành sứ mệnh vì Chúa và đem lại bình an.
Đấy là sứ điệp chính yếu Chúa Giêsu muốn củng cố nơi Phêrô và các môn đệ của Ngài trước khi họ thấy Ngài bước vào cuộc khổ nạn. Đó là con đường thánh giá, nhưng là con đường của vinh quang danh dự vì Chúa và là để cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10).
Mạng sống đời này và đời sau
Sau đó chính Chúa đã nói về sự từ bỏ: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25). – có một đòi hỏi phải trả giá, phải đánh đổi trong hành trình theo Chúa. Đó là việc tìm kiếm vinh quang đời sau và chịu thua thiệt đời này. Nếu ai, vì vinh hoa, lợi lộc đời này mà bỏ bê việc bổn phận đối với tha nhân, làm những chuyện trái với lương tâm để có của cải và sống xa hoa thì sẽ không được sự sống đời đời.
Ngược lại, ai hy sinh của cải, thời giờ, sức lực, trí khôn đời này cho việc giúp đỡ tha nhân và phụng thờ Thiên Chúa, người đó sẽ được hưởng sự sống đời đời. Đó là lời mời gọi để hy sinh và phục vụ với tư cách là đá tảng trong lòng Giáo hội để phục vụ người khác.
Đó là một thách đố của người môn đệ và cho tất cả những ai muốn theo Chúa. Vì con đường theo Chúa là con đường hẹp và khó khăn, nên muốn đi trọn con đường ấy, người ta bị đòi hỏi phải bỏ lại những gì không cần thiết cho đời sống mai sau.
Vậy thì đó là con đường Chúa mời gọi Phêrô đón nhận. Lời tuyên xưng đức tin vào Chúa cần phải được tỏ lộ ra bằng một đời sống tương ứng với niềm tin ấy. Không thể tuyên xưng Chúa như thế này, thế kia mà lại không chịu đi theo con đường mà Ngài đã đi, hay con đường Ngài muốn chúng ta bước vào.
Xin Chúa cho con luôn can đảm bước theo Chúa, biết bỏ mình, vác thập giá theo Chúa. Đó là lời tuyên xưng đức tin hùng hồn nhất mà chúng con tuyên xưng mỗi ngày.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM