Vâng lời trong lời nói và hành động – Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường niên Năm A

0
1094

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Ed 18, 25-28

Trích sách Tiên tri Êdêkiel: một người có thể từ bỏ tội lỗi để bảo tồn sự sống của mình.

Ðáp ca: Tv 24,4bc-5. 6-7. 8-9

Thánh vịnh 24: Cầu xin Chúa cho lòng thương xót.

Bài đọc II: Pl 2,1-5 {hoặc 1-11}

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê: hãy giống như Đức Kitô, Đấng đã khiêm tốn và đã được Thiên Chúa tôn vinh.

Tin Mừng: Mt 21,28-32

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu: Chúa Giêsu đặt ra một câu hỏi cho các thượng tế và kỳ lão về ý nghĩa của sự vâng lời.

2. Chia sẻ

Nói – làm bất nhất là một trong những nhóm người chẳng được mấy ai ưa thích trong xã hội. Những nhóm người này đôi khi còn bị tẩy chay và gây mất niềm tin nơi người khác. Nói sao, làm vậy là điều mà người khác luôn mong muốn. Những người này dễ gây được niềm tin tưởng nơi người khác và làm cho người khác quý mến.

Hôm nay trong bài đọc Kinh Thánh chúng ta sẽ được gợi lên về hình ảnh của hai người con. Một người nói làm nhưng lại không làm, còn người kia nói không nhưng cuối cùng hối hận lại đi làm việc cho cha. Hay nói đúng hơn, đó là câu chuyện để nói về tầm quan trọng của vâng lời trong hành động, trong việc tìm kiếm ơn cứu độ của Chúa.

Tuy nhiên, nội dung các bài Kinh Thánh, nhất là bài Tin Mừng thì không dừng lại ở điểm phân tích những ai vâng lời và không biết vâng lời.

Bối cảnh cho bài học này, đó là Đức Giêsu đang đứng đối diện với các thượng tế và các kỳ lão. Chúa Giêsu muốn dùng chính câu chuyện của hai người con để muốn nói với các ông về thông điệp những ai sẽ là người được lãnh nhận ơn cứu độ.

Những thượng tế và kỳ lão là những lãnh đạo trong dân. Họ dạy dân chúng về nhiều điều của tổ tiên, của luật Môsê, thậm chí họ nói về Thiên Chúa, nhưng lại không sống điều Thiên Chúa dạy. Họ chỉ nói mà không làm hay không sống điều họ dạy. Vì thế, họ được ví như đứa con chỉ nói dạ dạ với cha, nhưng rồi không làm. Đây là hạng người chỉ biết vâng lời bằng “mồm” chứ không phải bằng hành động.

Một bằng chứng cho điều này là họ đã nghe những gì ông Gioan Tẩy giả loan báo để sám hối, nhưng họ đã không nghe ông. Họ coi mình không phải là thành phần cần phải chịu phép rửa sám hối.

Còn những người tội lỗi, đĩ điếm, thu thuế, phong hủi, xem ra họ không nói được những điều luật lưu loát hay rành mạch như các ông, nhưng họ lại luôn nhận biết về tội lỗi, về sự yếu đuối của mình và luôn cố gắng sống theo điều Chúa dạy. Họ nhìn nhận mình là những người tội lỗi và họ luôn hoán cải. Những người này lắng nghe những gì ông Gioan rao giảng và đến xin ông làm phép rửa tỏ lòng sám hối. Họ là nhóm người giống như người con nói không với cha, nhưng rồi hối hận và đi làm.

Hành động thì nói lớn tiếng hơn “lời nói”

Trước sứ điệp của Gioan Tẩy giả và lúc này là sứ điệp của Chúa Giêsu, những kinh sư, thượng tế và kỳ lão đã không thay đổi con tim của mình, nhưng phường đĩ điếm và tội lỗi thì đã hoán cải và thay đổi con tim của họ. Bởi vì hành động hoán cải này của nhóm người bị coi là tội lỗi này, mà họ sẽ lãnh nhận được Nước Thiên Chúa, còn các vị lãnh đạo tôn giáo, các Pharisiêu thì không.

Thay đổi con tim đó là bằng chứng của một tình yêu đối với Thiên Chúa

Bài đọc 1 sẽ soi sáng cho chúng ta điều này, khi mà chính Thiên Chúa đã nói “nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống” (Ed 18,28). Đấy chính là hành động của sự vâng lời Thiên Chúa qua việc biến đổi con tim, chứ không phải bằng lời nói. Và như thế là họ được cứu và được sống, tức được vào trong nhà Chúa.

Và rồi trong Bài đọc 2, chính thánh Phaolô đã nêu gương Đức Giêsu như một người khiêm nhường thẳm sâu. Ngài đã vâng lời Chúa Cha và đón nhận cái chết để cứu nhân loại. Ngài không chỉ vâng lời Chúa Cha qua lời nói suông, nhưng qua hành động, tức bằng chính đời sống của mình. Đức Giêsu tự hiến chính bản thân mình vì vâng lời Chúa Cha để cứu độ con người “Ngài đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá” (Pl 2,8).

Trong đời sống của người Kitô hữu, chúng ta cũng được kêu mời, không phải chỉ giống người con thứ nhất, cũng không phải giống người con thứ hai, mà là kết hợp từ hai điều tốt của những người con này. Tức là chúng ta vâng lời Thiên Chúa bằng cả lời nói và hành động, không chỉ bằng lời nói không, mà cũng không chỉ bằng hành động không, nhưng là cả hai, theo gương Đức Giêsu.

Nên trong cuộc sống, hãy luôn để cho con tim mình được hoán cải. Hãy làm cho con tim mình biết vâng lời để sám hối, để hoán cải, để trở về với Chúa. Điều này đòi hỏi một quá trình tự vấn, hối hận và thay đổi như người con thứ nhất. Thiên Chúa cần sự vâng lời chân thành, chứ không chỉ là hình thức. Vì thế hãy thay đổi con tim, thay đổi cuộc sống, dù mình có hư đốn như thế nào, tội lỗi như thế nào, xấu xa như thế nào, thì Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ. Nếu thực sự chúng ta quay lại với Thiên Chúa bằng con tim chân thành, với lòng yêu mến Chúa tha thiết, chắc hẳn chúng ta sẽ không mất phần thưởng cứu độ đời đời.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM